Những Sáng tác của Tác giả Vương Thanh

Cuồng Ngâm
Tác giả: Vương Thanh
Cuồng Ngâm

Như ánh trăng soi
Thăm thẳm trời xanh
Vời vợi ngàn sao
Lời thơ diễm ảo
Say say mơ màng
Say say mơ màng
Rượu đào dăm chén
Ca giữa rừng hoang
Rượu đào dăm chén
Ca hát nghênh ngang
Ca rằng:
Trời cao có một ả Hằng
Quảng Hàn lạnh lắm để nàng cô đơn
Trần gian có một văn nhân
Lời thơ điệu nhạc làm nguồn suối vui
Xuống đây, xướng họa đôi lời
Cùng nhau ngâm vịnh cho Trời Đất ghen
Bóng say chếnh choáng
Bước chân liêu xiêu
Hồn nhập Tình Thơ
Hồn say Ý Nhạc
Cười với trời xanh
Ca múa dưới trăng
Đời ai tỉnh, ai say
"Chí ta ta biết, lòng ta ta hay"
Gọi hồn tri kỷ những ai
Cùng ta cạn chén nhập say mê cuồng !...

vương-thanh - 1987
Rượu Vĩnh Biệt …
Tác giả: Vương Thanh
Hắn vẫn ngồi đó từ chiều tới giờ . Nửa ly rượu trên tay, không uống cũng không đặt xuống. Ánh mắt mông lung nhìn ra song cửa, như đang chờ đợi , lại như trống rỗng, mơ hồ . Trên mặt bàn, một bình rượu đã cạn, bình còn lại vơi hơn phân nửa. "Em có đến không ?" Tâm trí hắn chỉ xoay quanh môt ý nghĩ này.

Một người con gái bước vào trong quán. Nàng đưa mắt ngó quanh, đến khi nhìn thấy hắn. Hai đôi măt đán vào nhau không rời. Sau một khắc thiên ngôn vạn ngữ, nàng lẹ làng đi về phía hắn. Suối tóc huyền thả dài sau lưng, khuôn mặt thanh tú, dịu dàng như ánh trăng, nàng vẫn đẹp như thuở nào hắn mới quen. Hắn đứng đậy, kéo ghế cho nàng ngồi xuống. Hắn và nàng đều lặng thinh. Chỉ mhìn nhau không nói, "có nói cũng không cùng". Nhưng rồi, hắn cũng mở miệng hỏi "Em có khỏe không ?" Rồi lại lặng thinh. Rồi hăn và nàng lai nói với nhau những câu vu vơ như thế, như là hỏi thăm về những nguời thân, chuyên thời tiết chuyển mùa, mặc thêm áo ấm.

Hắn vừa uống vừa nhìn nàng, như muốn ghi khắc hình ảnh nàng vào tâm khảm. Nàng cũng uống một chút rượu. Chât rượu đỏ như máu thâm ướt bờ môi. Đôi mắt hồ thu nhìn hắn long lanh niềm thương xót ... Hắn chợt nghe lòng uất nghẹn. Hăn chợt nghe lòng trào dâng một nỗi bi thương và tuyệt vọng... Không gian thinh lặng một nỗi buồn vời vợi ... Nhưng rồi, nàng lại khuyên hắn hãy quên nàng đi, xem mọi chuyện như một giâc mơ, và hãy đi tim hạnh phúc với một người con gái khác tốt hơn nàng và quên nàng đi như nàng rồi cũng sẽ quên hắn.

Đừng nói gì thêm nữa
Mai em đi,
Đi về với người ta
Chuyện đôi mình,
hãy xem như … một giấc mơ qua .
Một giấc mơ,
một giấc mơ thôi, Em nhé ...
Rồi từ nay và mãi mãi về sau,
đường đời chia hai ngả
Hai đứa mình…
Hai đứa mình
chẳng bao giờ ... gặp lại
chẳng bao giờ gặp lại nữa ,
Em ơi ! ...

Uống đi Em,
Đừng nói gì thêm nữa
Ly rượu này
Tưởng niêm cuộc tình ta !
Chuyện chúng mình
là một bóng mây qua!
là một giấc mơ ... trong tiền kiếp !
Uống đi Em !
Lần sau cùng Em nhé,
Sau ly này,
Sau ly này …
Là …
Là …



Mãi ... mãi ... chia ... xa !...
Vĩnh biệt !

vuongthanh
Thiên Nhai Đối Tuyết
Tác giả: Vương Thanh

Một bản "kịch" thơ : chốn núi rừng hoang sơ, tuyết trắng mênh mông, một kẻ ẩn khách chốn lâm tuyền với nàng tiên Bạch Tuyết .
Mến mời quý ACE thưởng thức bài thơ và đối thoại qua phần trình diễn của hai nghệ sĩ: Hồng Vân và Phan Xuân Thi.
Thư Pháp Khách Tài Hoa
Tác giả: Vương Thanh
Mến mời quý ACE thưởng thức bài thơ "Thư Pháp Khách Tài Hoa" vương-thanh làm tặng nhà thư pháp - nhạc sĩ Văn Tấn Phước qua giọng ngâm tuyệt vời của Hồng Vân.

Thư Pháp Khách Tài Hoa
Thân Tặng Nhà Thư Pháp - Nhạc Sĩ Văn Tấn Phước

Sao nét gạch ngang đẹp thế này
Như là phi kiếm vút đường bay
Kia, viền trăng ngọc treo đầu núi
Đây, cánh chim bằng lướt biển mây
Thư họa rạng ngời trang Việt Sử
Ca ngâm cảm khái điệu Nam Ai
Suối đàn chan chứa tình non nước
Còn vọng đâu đây khúc lữ hoài ...

vương-thanh - 10.06.2017
Nè Nhỏ Hỡi ...
Tác giả: Vương Thanh
thơ vui: một thuở vui đùa thơ với thơ

Nè Nhỏ hỡi
Nhỏ làm chi buồn rứa ?
Mới ngày nao chưa ứa lệ vì ai
Mới ngày nao để tóc ngắn con trai
Mà giờ đây đã hình hài thiếu nữ
Cái tuổi thơ trôi qua như thác lũ
Mới ngày nao còn đánh oẳn tù tì
Mà giờ đây xuân sắc đã chớm thì
Hoa nở nhụy đón chờ ong với bướm
Vườn đẹp nắng, buớm đa tình vui lượn
Hoa cười duyên, chợt e thẹn cúi đầu
Khóe thu ba khẽ bắn liếc thật mau
Như pháo nổ liên châu quanh tất cả
Ai hào hoa, ai là người phong nhã
Ai hiên ngang, ai dáng điệu oai hùng
Ai mơ mòng, chìm đắm giữa mông lung
Ôi ! Tất cả không sao qua cặp mắt
Mắt hò thu nhưng tinh lanh như cắt
Nhưng hôm nay buồn bã bởi vì sao
Nhớ nhung ai mà lòng dạ nao nao
Môi mím lại, thở dài nghe não nuột
Thật tội quá ! Đôi mắt xinh ươn ướt
Chắc thâu đêm, áo sũng lệ mưa rồi
Tập thơ tình, em có gối vì tôi ?..

vương-thanh :)
TỰ TÌNH KHÚC
Trình bày: Thuỵ Long
Lời: Vưong Thanh
Nhạc: Chau Duong
Hòa âm: Quang Đạt
TỰ TÌNH KHÚC
Tặng :Vương Thanh & Tuyết Hương.

Như ánh sao đêm đẹp cuối trời.
Như giòng suối biếc nhẹ nhàng trôi.
Như vầng trăng ngọc soi thềm trúc.
Như đóa Quỳnh hoa rực rỡ ngôi.
Ta đa si mê tư kiếp nào ?
Từ em tha thướt dáng thanh tao.
Từ em môi thắm lung linh nắng.
Từ gót hài ươm sắc hồng đào.
Ôi ! Làn tóc xõa dịu dàng hương.
Đôi mắt nai buồn gieo vấn vương.
Tà áo mơ màng in sóng nước.
Cho thuyền anh lạc giữa màn sương.
Tay nắm tay đi trọn lối trần.
Dù khi êm ấm lúc gian truân.
Đàn yêu so phím Uyên Ương Khúc.
Hòa tiếng chim đua hót thật gần.
Hoa Trà My
Tác giả: Vương Thanh
Lớp lớp bạch nhung đẹp dịu dàng
Theo dòng hoài niệm đến tương giang
Long lanh ngọc chất ngời băng tuyết
Thanh thoát trà hương tỏa núi ngàn
Cảm nét nga my trang tuyệt sắc
Thương giòng nữ hiệp đất Văn Lang
Cùng mai, nào ngại trời đông giá
Vẫn nở nụ cười say thế gian !...

vương thanh - 22.07.2017
Thơ và người Việt
Tác giả: Vương Thanh
Thơ là hơi thở cúa tiếng Việt. Trước khi có chữ viết quốc ngữ, người Việt dùng ca dao trong chốn dân gian để truyền lại cho đời sau những kiến thức và trải nghiệm trong đới sống, ... Một phần lớn văn hóa Việt được truyền miệng qua nhiều thế hệ với thể thơ lục bát . Lục bát là thể thơ của dân tộc Việt có lịch sử rất lâu đời. Không thấy sách nào ghi rõ năm bao nhiêu, nhưng chắc là đã hơn ngàn năm.

Có câu nói "Truyện Kiều còn, thì tiếng Việt còn." Truyện Kiều là truyện thơ lục bát dài 3254 câu của thi hào Nguyễn Du, viết từ thế kỷ 18 bắng chữ Nôm, đuợc thế giới biết đến và đã đuợc nhiều người dịch qua tiếng Anh, Pháp. Chữ Nôm tương tự như chữ Tàu, nhưng được sửa đổi, thêm vào một số dấu để có thể ghi lại tiếng quốc ngữ . Cụm từ "minh nguyệt" thì là phiên âm của tiếng Tàu, cho nên có thể dùng chữ Tàu để ghi lại, nhưng cụm từ "trăng sáng" thì chỉ có thể dùng chữ Nôm để ghi lại . Cho đến khi có mẫu tự Latin đuợc truyền đến Việt nam từ Pháp .

Người Việt có lẽ là dân tộc yêu thơ nhất . Trong thơ văn tiếng Việt, chúng ta thấy có danh xưng "nàng Thơ", là hồn thơ và thi hứng đuợc tiên cách hóa thành một biểu tuợng thiệt đẹp. Sách vở, thơ văn Tàu không thấy dùng cụm từ nàng Thơ, thơ văn Anh , Pháp cũng không thấy dùng. Những câu nói "nên thơ", "đẹp như thơ" nghe rât tự nhiên trong khi nói chuyên, nhưng không thấy nước khác dùng những từ khen ngợi "đẹp như thơ" bao giờ.

Truyện Kiều được thưởng thức từ chốn đồng quê cho đến chốn thành thị . Có nhìều nguời Việt thuộc lòng hết truyện Kiều cả mấy ngàn câu. Vì thể thơ lục bát rât độc đáo, rất dễ nhớ. Vì người Việt rât yêu thơ . Vì truyện Kiều của Nguyễn Du là thiên cổ kiệt tác.

Chỗ nào có báo chí người Việt trên mạng, là thường hay có những forums thơ để những nguời làm thơ góp thơ và xướng họa thơ với nhau . Rất nhiều những cuộc thi đàm, nói chuyên bằng thơ lục bát, tứ tuyệt đã xảy ra trên nhiều forums tiếng Việt. Đi xem trên mạng cũng không thấy nước nào khác ngòai nước Việt chơi thơ theo lối xướng họa liền tay .

Ngâm thơ của Việt Nam cũng rất là độc đáo, làm sống động con chữ trên trang giấy, truyền đạt ý nghĩa và tình cảm của tác giả qua bài thơ . Người Âu, Mỹ không có nghệ thuật ngâm thơ như nước Việt, người Tàu dường như cũng không có kiểu "ngâm" thơ như nguời Việt đã phát huy thành một nghệ thuật có thể mưu sinh .

Với những điều liệt kê trên, mình nghĩ nguời Việt hẳn là dân tộc yêu thơ nhất. Nếu đi ngoài đường, trong muời nguời Việt gặp, hẳn là cũng có hơn phân nửa đã từng thuộc mấy câu thơ, làm qua vài câu thơ ... Mỗi một người Việt Nam đều có một tâm hồn thi sĩ .

Xin dừng bút nơi đây. Hôm nay bàn truyện về thơ, về nàng thơ, khi nào có dịp minh sẽ viêt về nhạc, và nàng nhạc.

vương thanh
15.07.2017
Anh Khí Nghìn Thu
Tác giả: Vương Thanh
Phan Xuân Thi diễn ngâm

Ôn trang sử Việt chiều mưa
Trống Mê Linh tự ngàn xưa vọng về ...

Sử Việt lẫy lừng trang vẻ vang
Anh hùng, liệt nữ, nợ giang san
Kình ngư lướt sóng gìn sông núi
Bạch tượng dẫn binh dẹp bạo tàn
Gò Ðống, lửa bùng cơn địa chấn
Sông Ðằng, máu rửa hận xâm lăng
Dư đồ từng tấc, Hồn Dân Tộc
Anh khí nghìn thu rạng nước Nam .
vương-thanh
Tiểu luận về tên gọi luôn bị thay đổi của đệ tam anh thư nước Việt
Tác giả: Vương Thanh
Nước Việt có khá nhiều những bậc anh thư, nhưng nổi bật và được hậu thế kinh trọng nhất vẫn là Hai Bà Trưng và Bà Triệu . Hai Bà Trưng là hai chị em ruột, cô chị là Trưng Trắc, cô em là Trưng Nhị, tên họ rât rõ ràng. Nhưng bà Triệu thì tên gọi cũng hay bị thay đổi và có nhiều danh xưng, "Triệu Ẩu", Triệu Thi Trinh", "Triệu Trinh Nương".

1. Danh xưng "Triệu Ẩu" có lẽ là do người Tàu, quân Tàu đặt cho Bà Triệu. Chữ "Ẩu" bao hàm ý nghĩa không đẹp. Trong truyện kiếm hiệp những bà lão già nua , vú em già cũng hay tự xưng là "lão ẩu" . Những cô nương xinh đẹp tuyệt đói không bao giờ tư xưng là "ẩu" bao giờ . Xem trên mạng web, danh xưng Triệu Ẩu có nơi dich ra nghĩa là "mụ Triệu" . Bà Triệu khi khởi nghĩa tự xưng là "Nhụy Kiều Tướng Quân", và cũng đuợc quân thù sợ hãi tôn xưng là "Lệ Hải Bà Vương" , bà vua biển Nam Hải xinh đẹp của nước Nam. Nhưng khi quân Tàu căm ghét thì sẽ gọi Bà là Triệu Ẩu.

2. Triệu Thị Trinh Danh xưng này sử gia Trần Trọng Kim dùng trong cuốn "Việt Nam Sử Lược", để thay thế cho danh xưng "Triệu Ẩu".

3. Triệu Trinh Nương : một danh xưng khác hậu thế đặt cho Bà Triệu, vì bà chưa lấy chồng.

Bà Triệu là bậc anh thư. Theo ý người viết, chỉ nên tôn gọi là Bà Triệu là danh xưng đẹp nhất, kính trọng nhất.

vương-thanh
14.07.2017
Thủy Nguyệt Thi Đàm
Tác giả: Vương Thanh
Thủy nguyệt thi đàm: yên vụ hoa
Thiên nhai đối tửu vô đề ca
Sơn trung biệt hữu vân gian mộng
Bán dạ quỳnh khai, khách đáo gia

Cùng người trò chuyện vào thơ
Tơ trăng, sương khói đẹp bờ Hương giang
Đây dòng thủy nguyệt nhẹ nhàng
Ngân hà một dải thênh thang Ý, Tình
Non xanh, nước biếc riêng mình
Khoảng trời mây trắng bồng bềnh giấc thơ
Nửa khuya, quỳnh nở đón chờ
Bạn phương xa đến, vui hòa ca ngâm
Mời nhau vào khúc tri tâm
Men thơ, men nhạc lâng lâng mộng hồn ...

vương-thanh
Dòng Thơ Diễm Tình của Lý Thương Ẩn
Tác giả: Vương Thanh
Trong vườn thơ Ðường Thi, nhà thơ Lý Thương Ẩn, sinh thời mạt Ðường, đứng riêng một phương trời thơ với dòng diễm tình thi. Thơ của ông, từ điệu du dương, nhiều điển tích, hình ảnh đẹp, xử dụng triệt để nghĩa bóng, nên lời thơ rất cô đọng và gợi ý. Sáu bài thơ vô đề của ông là những thi tình phẩm tuyệt vời . Tương truyền thuở trẻ ông học đạo trên núi, theo phép tu tiên, và yêu một nàng đạo sĩ nhưng mối tình gặp nhiều trắc trở, rồi sau đó ông lại quen và thương hai chị em tên Phi Loan, Khinh Phụng, chỉ hận là hai nàng lại bị tuyển vào cung đình. Những cuộc tình dang dở này là nguồn gốc của những bài thơ vô đề . Với những vần thơ tuyệt đẹp, tình ý tha thiết, đượm nét ảo huyền, thơ của ông trở thành bất hủ, và được chuyển dịch qua nhiều thứ tiếng : Anh, Pháp, Ðức, Ý, v.v.

Có một câu thơ rất hay “Con tằm dẫu thác hãy còn vương tơ” mà người viết đã nhập tâm không biết tự thuở nào. Nghe như một câu ca dao và không chừng cũng đã là ca dao. Câu thơ ấy vốn xuất xứ từ một vần thơ trong một bài “Vô đề” của Lý Thương Ẩn. Bài ấy như sau :

Vô đề ( Kỳ ba )

Tương kiến thì nan biệt diệc nan
Ðông phong vô lực bách hoa tàn
Xuân tàm đáo tử, ti phương tận
Lạp chúc thành hôi, lệ thủy can
Hiểu kính, đãn sầu vân mấn cải
Dạ ngâm, ưng giác nguyệt quang hàn
Bồng Lai thử khứ vô đa lộ
Thanh điểu ân cần vị thám khan

Dịch nghĩa :
1. Gặp nhau khó, xa nhau cũng khó
2. Gió xuân (gió hướng đông) không đủ sức để trăm hoa úa tàn
3. Tằm xuân đến chết, tơ mới hết
4. Ngọn nến thành tro, lệ mới khô
5. Sáng sớm soi gương, buồn cho tóc mây thay đổi
6. Ðêm ngâm thơ, chợt nhận thấy ánh trăng là lạnh lẽo
7. Bồng Lai tìm đến nhưng không nhiều lối. (Chỉ thấy một hai lối vô, mà bị các bậc trưởng bối của nàng chặn cửa mất rồi ).
8. Chim xanh hãy vì ta mà ân cần thăm dò

Bản dịch của vương-thanh:
Khó được gặp nhau, cũng khó xa
Gió Đông chi để úa ngàn hoa
Tằm xuân đến chết, còn tơ luyến
Sáp nến thành tro, cạn lệ ngà
Sáng ngắm gương, buồn vầng tóc bạc
Đêm ngâm thơ, lạnh bóng trăng tà
Bồng Lai đường đến không nhiều lối
Nhờ cánh chim xanh thăm hỏi qua

Lý Thương Ẩn sở trường về luật thi. Ða số những bài thơ của ông là đường luật, phần còn lại theo thể tứ tuyệt và ngũ ngôn. Sau đây là một bài thơ tứ tuyệt nổi tiếng của ông:

Thường Nga (tên khác của Hằng Nga)

Vân mẫu bình phong chúc ảnh thâm
Trường hà tiệm lạc, hiểu tinh trầm
Thường Nga ưng hối thâu linh dược
Bích hải thanh thiên dạ dạ tâm

Người viết rất thích câu cuối trong bài này. Câu “Bích hải thanh thiên dạ dạ tâm” đọc lên, nghe âm điệu vừa mạnh mẽ, tình ý lại triền miên. Sau đây, xin giới thiệu bài Vô Ðề kỳ một của ông.

Vô đề ( Kỳ một )

Lai thị không ngôn khứ tuyệt tung
Nguyệt tà lâu thượng ngũ canh chung
Mộng vi viễn biệt đề nan hoán
Thư bị thôi thành mặc vị nùng
Lạp chiếu bán lung kim phỉ thuý
Xạ huân vi độ tú phù dung
Lưu lang dĩ hận Bồng sơn viễn
Cánh cách Bồng sơn nhất vạn trùng

Dịch nghĩa :
1. Ðến thì không nói, đi thì biệt tích
2. Trên lầu, trăng xế, chuông điểm canh năm
3. Trong mộng xa cách nhau, kêu khó thành tiếng
4. Thư giục mau xong, mực còn chưa đậm.
5. Ánh nến mờ soi con chim trả bằng đồng
6. Mùi xạ hương thoang thoảng trên (vải, màn, lụa, ... được thêu hoa sen
7. Chàng Lưu hận non Bồng xa xôi
8. Nay ta lại cách non Bồng một vạn tầng

Bản dịch của vuơng-thanh:

Gặp nhau, chỉ nói vu vơ
Ra đi biền biệt, mịt mù tăm hơi
Trăng tà, gác vắng chờ Người
Canh năm đã điểm, ôi lời hứa suông !
Trong mơ, xa cách nghìn trùng
Mộng khôn thành tiếng, lòng buồn không thôi
Thư tình ai vội đôi lời
Chữ chưa ráo mực, bóng người phương nao
Nến soi cánh phụng nghiêng chào
Mùi hương còn thoảng lụa đào thêu sen
Chàng Lưu thương tiếc non tiên
Bồng sơn nay lại vạn triền núi xa ...

Câu “Lai thị không ngôn, khứ tuyệt tung” dịch xuôi là “Khi đến, thì không nói; khi đi lại đi biệt tích”. Theo ý người viết thì không phải là không nói gì cả, không phải là ‘ngậm miệng làm thinh’, mà là nàng chỉ nói chuyện vu vơ, không nói vào đề tài chính giữa hai người. Dựa ý theo câu thứ nhì, câu đầu thực ra chỉ là câu than thở, trách móc khi nàng thất hẹn và nhà thơ đa tình của chúng ta phải chờ đợi suốt năm canh.

Sự cô đọng của thơ, và đặc biệt là Hán thi, thường tạo ra những giải nghĩa khác nhau hoặc là không giống nhau hoàn toàn. Sự chắt lọc của ngôn từ, lọc bỏ hết rườm rà hoa lá, chỉ giữ lại cốt tủy, có thể gợi cho người đọc nhiều ý tưởng mới lạ trong khi chuyển dịch thơ. Ðó cũng là một sắc thái độc đáo của Ðường Thi.

Lý Thương Ẩn có sáu bài Vô Ðề cả thảy, được phân biệt thành sáu kỳ. Thứ tự sắp xếp, người viết dựa theo quyển sách “Ðường Thi Tuyển Dịch” của ông Lê Nguyễn Lưu. Nay xin đề cập đến hai câu thơ “vô đề” nữa. Hai câu này là hai câu cuối của bài “Kỳ hai” và gợi sự liên tưởng cho người viết đến một câu thơ rất quen thuộc của Xuân Diệu: “Yêu là chết ở trong lòng một ít, cho thì nhiều nhưng chẳng nhận bao nhiêu”. Hai câu thơ ấy như sau:

Xuân tâm mạc cộng hoa tranh phát
Nhất thốn tương tư nhất thốn hôi

tạm dịch:
Lòng xuân đâu với hoa đua nở
Một tấc tương tư, một tấc tro

Nỗi đau khổ của sự tương tư, tả như thế, theo ý người viết, thì quả là tuyệt bút. Chỉ dùng bảy chữ thôi, mà rất gợi hình, gợi ý, sắc nét như dao. Bây giờ xin giới thiệu một bài thơ được coi là bí ẩn vào bậc nhất trong vườn thơ Ðường Thi mà thi hào Nguyễn Du đã dịch mấy câu trong truyện Kiều như sau:

Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên
Trong như ngọc dỏ duềnh quyên
Ấm như hạt ngọc Lam Ðiền mới đông...

Những câu thơ trên tả tiếng đàn của Thúy Kiều trong ngày sum họp với Kim Trọng sau mười sáu năm xa cách. Tình ý vui vẻ không giống như nguyên tác đượm nét u hoài. Có lẽ Nguyễn Du muốn nói lên cái ý “tẻ vui cũng tại lòng này”. Vì cùng một bản nhạc ấy, mà trước kia khi nghe Kiều dạo đàn, Kim Trọng đã phải than rằng : “Rằng hay thì thật là hay, nghe vô ngậm đắng nuốt cay thế nào”. Sau đây là nguyên tác của khúc đàn đó:

Cẩm Sắt

Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền
Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp
Vọng đế xuân tâm ký đỗ quyên
Thương hải, nguyệt minh châu hữu lệ
Lam Ðiền, nhật noãn ngọc sinh yên
Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên

Dịch nghĩa :
1. Ðàn gấm vì sao lại năm mươi dây
2. Mỗi dây mỗi trục nhớ thời tuổi trẻ
3. Trang sinh trong giấc mộng sớm, hóa thành cánh bướm
4. Tấm lòng xuân của vua Thục đế sống lại trong tiếng hót của chim quyên
5. Biển rộng, trăng sáng, hạt châu long lanh nước mắt
6. Lam Ðiền, ngày nắng ấm, ngọc bốc khói
7. Mối tình này có thể trở thành một kỷ niệm đẹp (để ta thường hoài niệm )
8. Chỉ là thuở ấy lòng ta đầy nỗi buồn rầu, chán nản


Bản dịch của học giả Lê Nguyễn Lưu :

Ðàn gấm gồm năm chục sợi liền
Mỗi dây mỗi trụ nhớ hoa niên
Trang sinh mộng sớm ngờ thân bướm
Vọng đế lòng xuân gửi tiếng quyên
Trăng sáng lệ đàn châu Ðại Hải
Nắng xông ngọc bốc khói Lam Ðiền
Tình xưa hãy để thành lưu niệm
Một thủa yêu đương luống hão huyền !

Bản dịch của học giả Trần Trọng San :
(Nguồn từ mạng lưới Internet)

Năm chục dây trên những phím đàn
Mỗi dây, mỗi trụ nhớ hoa niên
Trang sinh mộng sớm làm bươm bướm
Thục đế lòng xuân gửi đỗ quyên
Trăng chiếu lệ châu, ngời bể rộng
Nắng phơi khói ngọc, ấm Lam Ðiền
Tình này hãy đợi nên niềm nhớ
Tiếc đã xưa kia lỗi ước nguyền

Bản dịch của vương-thanh:

Ðàn gấm, năm mươi sợi ảo huyền
Từng dây, từng trục gọi hoa niên
Trang sinh, mộng sớm mơ hồn bướm
Thục đế, lòng xuân gửi tiếng quyên (1)
Trăng sáng, lệ châu nhòa Bích Hải
Nắng hanh, khói ngọc tỏa Lam Ðiền
Tình này ôn lại còn thương cảm
Một thuở đau lòng chữ nợ duyên

Ðàn thuở ấy chỉ có hai mươi lăm dây, năm mươi tuổi xuân thì lại là quá dài, cho nên chỉ hai câu đầu đã là đề tài bàn luận khó mà đưa đến một giải nghĩa thỏa mãn mọi người. Câu thứ năm “châu hữu lệ” dùng điển tích thần thoại những nàng người cá ở Nam Hải, khi khóc, những giọt nước mắt kết đọng thành hạt châu. Câu thứ sáu là một đề tài để bàn luận, suy gẫm. Lam điền nên hiểu theo nghĩa “ruộng xanh” hay nên hiểu theo nghĩa một địa danh ? Lam Ðiền cũng là tên một nơi chuyên sản xuất ngọc. Còn ngọc bốc khói lại là như thế nào.

Nếu hiểu theo nghĩa “ruộng xanh” thì câu sáu có thể giải thích như saụ. Nắng ấm buổi sớm, những giọt sương lóng lánh như ngọc trên ruộng xanh bốc lên thành khói. Tuy nhiên trong thơ, hạt châu đã có thể kết đọng từ nước mắt, thì ngọc bốc khói cũng có thể là từ một điển tích nào đó mà thôi.

Theo thiển ý người viết, tác giả mượn tiếng đàn để tả về mối tình với một thiếu nữ. Chàng thì đa tình như Thục Ðế còn nàng thì mơ mộng như một Lâm Ðại Ngọc khóc hoa rơi, với đôi mắt sâu thăm thẳm như biển cả, long lanh những giọt châu lệ của những nàng tiên người cá khi xa cách người yêu. Tiếc là mối tình tuy đẹp như huyền thoại, nhưng lại mong manh như khói ngọc Lam Ðiền, để cho thi nhân ôm một mối hận lòng, và để lại cho ngàn sau những vần thơ diễm tuyệt.

vương-thanh
tháng tư năm 2005

(1) Vua nước Thục, khi ái thê qua đời, vì quá đau buồn nên bỏ ngôi mà đi. Tương truyền, sau khi thác đi, hóa thành chim đỗ quyên, có tiếng kêu rất bi thương.

Tài liệu tham khảo :
1. Ðường Thi Tuyển Dịch của Lê Nguyễn Lưu
2. Từ Ðiển Hán Việt của Trần Văn Chánh biên soạn
3. Từ Ðiển Thiều-Chửu trên mạng lưới Internet
Nàng Là Ai đó …
Tác giả: Vương Thanh
Thân tặng Nhạc Tiên tỷ tỷ

Nàng là ai đó trong mênh mông trần thế
Với nụ cười hiền, giọng hát thanh tao
Nghe lòng dâng niềm lưu luyến
Tràn đầy êm ái, ngọt ngào
Nghe như mùa thu chợt đến
Không gian đằm thắm hương thơ
Hồn ta chơi vơi cùng muôn vì tinh tú
nhè nhẹ trôi …
trong giấc chiêm bao …

Nghe con tim mình
đang hòa tan thành muôn giọt nước
hòa nhập vào dòng thủy nguyệt long lanh
cùng ánh trăng thanh
soi bóng hình ngọc nữ
tà áo mây tha thướt
suốt tóc huyền dịu dàng
đâu đây văng vẳng muôn vạn giọt tơ đàn
chào mừng Nàng Tiên Nhạc đến trần gian ...

vương-thanh - 05.05.2017
Hương ...
Tác giả: Vương Thanh
Hương xưa man mác chốn xa vời
Hương mộng nụ cười vương nét môi
Hương tuyết thanh lương chiều viễn xứ
Hương quỳnh cao khiết ngọc tinh khôi
Hương thơ lai láng nguồn tâm cảm
Hương rượu dạt dào sóng biển khơi
Hương nhạc diệu huyền ... dòng thủy nguyệt
Hương thu bát ngát, gió chiều lơi ...

vương-thanh - 04.27.2017