Những Sáng tác của Tác giả Mai Ninh

Ảo Ðăng
Tác giả: Mai Ninh
Mỗi lần vào nghĩa trang, tôi sờ tay lên phiến huyền thạch mát lạnh, rồi ngó bâng quơ cây thập tự bằng đồng đỏ ối vươn cao. Chín ngày sau đám tang, phần mộ xây xong, tôi trở vào đó nhìn chăm bẳm tấm bia. Chỉ là cái tên sao đủ cho tôi khép chặt mắt lại mà vẫn thấy khuôn mặt mình rõ ràng là bản sao trung thực của người mang nó. Cũng cặp mắt lệch, một con đuôi dài khem khép, con kia cùn cụt lồi ra chắc để cố giữ quân bình thị độ. Vành lông mày rậm đánh lên thẳng thừng vô cớ, còn hai cánh tai càng ngày càng cố tình xòe ra như cặp loa hẳn để nghe cho rõ tiếng đời sống thất thanh kêu rú ngoài thế giới âm u này. Thường, tôi đứng dậy ra về trước khi những cây dẻ tàn rậm sẵn sàng ôm trùm các ngôi mộ, xoá sạch hết lối đi.

Không gian mỗi ngày một kín mít, đêm đổ chẳng ngại ngần, tôi nằm vật xuống chiếc giường rộng thênh, đầu óc rỗng. Về đến căn nhà từ khi trời nhập nhoạng cho đến lúc đồng hồ treo tường vượt qua một ngày khác, tôi thường chẳng nhớ mình làm những gì trong khoảng thời gian ấy. Chui vào phòng tắm xịt nước ào ào rồi tròng cái T-shirt thùng thình lê vào bếp, lôi ra mẩu bánh mì từ cái bao vải, xẻ một miếng phó mách, rót một ly rượu vang. Ði qua đi lại, nhai và nuốt. Không mấy lần tôi chịu khó ngồi ở chiếc bàn con để chậm rãi thưởng thức bữa tiệc bánh mì, phó mách và rượu ấy. Ăn cho xong và tắm cũng cho xong. Trong gian nhà hai phòng hơn ba mươi mét vuông, tôi lẩn quẩn, cuối cùng ném xuống giường tấm thân vô tội.

Cứ thế, tôi nhập vào bóng tối, trong khi ngoài cánh cửa sổ đã đóng chặt có sẵn ngọn đèn đứng khẳng khiu bên bờ kinh vẫn vắt lên tới tầng lầu này một thứ ánh sáng vàng lãng. Nước dưới ấy chảy âm thầm, bải hoải vì tên thiết kế con kinh nhân tạo luồn giữa hai dãy nhà đã quên đặt vài hòn đá, đôi khúc cây trong lòng hay bên bờ để thay đổi chuyển động của dòng nước. Tuy thế những bụi hoa mận tiá và mấy cây liễu dáng chừng thoả mãn, soi bóng lung linh trên mặt lục. Còn tôi, chẳng mấy khi có nhu cầu ra đứng ở lan can nhìn xuống, chộp lấy chút sắc xanh sóng sánh hay ngửi hơi gió thoảng. Dọn về đây đầu đông, cho đến cuối hè là gần một trăm đêm tối nằm ngang sổ dọc trên mặt nệm. Hai chân quấn quíu vào nhau, một bàn tay vuốt ve cuống cổ, tay còn lại luồn dưới vải áo mân mê, tôi truồi dần vào những cơn mơ cho đến bốn giờ mười lăm phút sáng. Hôm nào cũng thế, giờ ấy tôi bị lôi ra khỏi giấc mộng thật đột ngột bởi tiếng nước kéo ào xoáy khọt vào tai bên kia vách. Những ngày đầu bực bội, tôi định đập vô tường hét vọng qua : Ðợi tới sáng giật nước cũng chẳng hôi hám gì. Nhưng cuối cùng, sự lười biếng lê chân khỏi giường cho tôi đủ bình tĩnh để nghĩ lại : Thà bị đánh thức còn hơn tiếp tục cơn mơ đuổi bắt mệt nhoài những hình nhân không mặt mũi, hay nghẹt thở bò rạp giữa thảm cỏ ẩm ướt tối, chúi mắt đánh vần từng tên người trên những phiến bia.

Ðến hôm nhìn rõ ra người hàng xóm, không những tôi chẳng còn giận dữ mà đêm đêm nếu bất chợt tỉnh mộng trước bốn giờ mười lăm tôi nằm đợi rồi mỉm cười với tiếng nước ban đầu sè sè xong nhỏ lại, ngập ngừng. Người đàn bà đi tiểu đêm đúng giờ đúng khắc ấy mang khuôn mặt Á Châu đằm thắm. Mấy nếp gấp của tuổi sáu mươi nơi khóe mắt nhếch lên cùng với mép cười có chút gì tinh quái mà tôi chỉ nhận ra độ sau này, từ một hôm bà đến ngồi gần cửa sổ trông ra ngoài hành lang là lối vào chung cho mấy căn nhà cùng xoay về một hướng. Chiếc phong linh reo vui khi bà ấy mở cửa bước hẳn ra ngoài, vài ba câu rồi bà rủ tôi vào nhà. Hai căn cùng một diện tích nhưng bên tôi trống trải lạnh lẽo bao nhiêu thì đầy đặc và ấm áp vô cùng trong không gian người đàn bà ấy. Tranh ảnh, cây xanh, lồng chim, dây giăng ngang trần treo lủng lẳng những quả chuông, đèn lồng. Mùi nhang trầm phảng phất với một thứ hương nồng nả. Bà chỉ cây hoa cánh dài trắng muốt bảo đó là hoa ngọc lan nhiệt đới, rồi ngắt một bông cài lên mái tóc rối bù của tôi. Những ngón tay đều đặn, hồng và mềm lạ lùng của một người quá tuổi. Thân mật kéo sợi tóc ra khỏi vành tai cho tôi, bà vuốt sổ xuống nhẹ nhàng :

- Ðể thế này thì hơn.

Lần đầu tiên tim tôi không nhói lên trước một câu nói động chạm xa gần tới khuôn mặt mà lâu rồi vì nó, tôi đập vỡ những chiếc gương.

***

Hôm bà vẫy sang, tặng chiếc lồng có cặp chim mỏ đỏ lông vàng cũng là lần đầu tiên tôi đứng lâu ở chiếc ban công nhà bà sát cạnh của tôi. Trời bây giờ mau tối, ánh tím chiếu trên mặt nước con kinh lềnh dềnh lá liễu thon cong rụng trở mùa. Ngửng mắt sang khu nhà đối diện, bất chợt tôi bắt gặp những chiếc đèn lồng vừa nháy lên trên đầu một chậu cây bách diệp. Quay lại tôi hỏi :

- Bên kia hẳn nhà người Á Châu, họ cũng có mấy cái đèn giống y.

Người đàn bà đang rót nước vào bình trà dưới cửa sổ ngó ra :

- Không, tên ấy chắc người Ý.

- Sao lại chắc ?

Bà ta chép miệng :

- Ðoán thế, giống mấy thằng tài tử xi-nê, với lại bọn Ý khoái ảo thuật.

Tôi cười trước sự suy diễn dễ dàng :

- Bà thấy hắn làm ảo thuật à ?

Người đàn bà chặn ngay :

- Tại cô cứ nằm im ỉm trong nhà nên chẳng thấy hắn tập dượt. Xem đã lắm.

Tự nhiên tôi tò mò :

- Thế hắn có trình diễn trên truyền hình không ? Tên gì ?

Bưng khay trà đặt trên chiếc bàn con, bà chậm rãi chuốc nước từ cái chung sành xanh biếc nhỏ xíu này sang cái chung kia, cơ hồ chẳng nghe câu hỏi. Ðầu những ngón tay cắt gọn, hơi vuông vức nhưng chúng cân xứng với khuôn mặt và cả con người tầm thước của bà ta. Tôi chăm chú nhìn, quên bẵng điều mình muốn biết, cho tới lúc bất ngờ bà thản nhiên nói tiếp :

- Tài tử thôi. Hắn có việc làm nhất định, đi sớm về muộn hơn cô.

Ðêm đó mắt trâng tráo, cơn mơ lọt ra ngoài. Bàn tay vẫn luồn trong chiếc áo ngủ rộng thênh, xoa xoa mảnh bụng nhộn nhạo. Hai con chim sùng sục, khi gù gù lúc dãy phành phạch. Bóng đen đặc quánh. Chẳng thấy chúng làm gì nhưng tôi tưởng tượng những cánh lông xù lên, rồi bị dứt khỏi da bay loạn mù trong chiếc lồng, mỗi cuống lông mang một giọt máu nhểu hoài không cạn. Mãi gần sáng tôi thiếp đi trong đốm sáng lúc tròn xoe ấm áp của đèn lồng, lúc xanh lạnh như sao trời hun hút.

Sáng trở dậy tôi đem chiếc lồng treo ngoài ban công. Hai con chim suốt đêm trong bóng tối đang cú rú vào nhau thảm hại, mỏ quẹt quẹt, đuôi cà cà. Khi ngửi ra hơi sương sớm bốc từ mặt kinh chúng ngóc đầu rồi hớn hở bay lên đánh đu trên thanh tre cao nhất. Chiều đi làm về tôi ghé mua chậu cây, những bông hoa đỏ li ti làm sáng mắt cặp chim, chúng nhảy nhót kêu riu ríu, đến nỗi bà ta bên kia cất tiếng :

- Chao, làm gì bắt loạn.

Tối lại tôi bỏ giường mở cửa ngó sang căn nhà hắn ao ảo ánh đèn. Trên bao lơn rộng, ngoài cây bách diệp quấn dây đèn lồng tím còn giàn tường vi nhỏ xíu rũ xuống chuồng chim câu. Mấy con chim núp trong ô tròn thò mỏ gục gù gợi hình ảnh hai ba con bồ câu trắng vụt khỏi cánh tay áo đen thùng thình thêu kim tuyến của gã làm ảo thuật, rồi đập cánh soàn soạt trên sân khấu thời thơ nhỏ. Tôi nhìn xoáy qua khung cửa mở rộng xem thử có gặp thêm được gì nhắc nhở những buổi ngồi cạnh bố trong rạp hát năm xưa, say mê với những trò huyễn hoặc. Nhưng không bóng ai, thấp thoáng tấm vải lớn treo trên tường lằn ngoằn những đường vẽ đầy màu sắc. Chợt từ ô cửa ấy bật tiếng vĩ cầm vút một chuỗi chói tai rồi đổ xuống cùng tiếng trống nện dập dình. Vẫn chẳng thấy người xuất hiện cho đến lúc bản nhạc lạ lùng phựt tắt. Mãi khi tôi định quay vào thì bất ngờ hắn hiện ra trên chiếc ban công. Ánh đèn dưới bờ kinh không soi tỏ mặt, chỉ một dáng người cân đối cắt giữa vùng sáng toả từ khung cửa. Mấy con câu thấy chủ vội vàng túa ra vỗ cánh, nhảy lưng tưng trên thành lan can một dãy. Hắn khoác chiếc áo trắng rộng phần phật theo ngọn gió đêm. Tôi nhắm mắt lại rồi mở ra, cánh tay hắn đang uyển chuyển rút từ sau làn vải phùng phình giữa bụng từng con chim mượt bóng. Chúng ngoe nguẩy chiếc đuôi bay là là một vòng xong đậu lại trên bờ vai của hắn, mỏ chúc chúc vào cần cổ. Bố tôi giang tay níu đứa con khi nó hăm hở đứng dậy chạy đến sát sân khấu để nhìn cho rõ mặt người trình diễn ảo thuật đang vung chiếc đũa thần diệu. Ông hôn lên tóc, dịu dàng dỗ tôi ngồi lại trên băng ghế. Phút chốc bên kia bao lơn hắn ngửa người ra, banh phùng thân áo, huýt một tiếng trong suốt hút vào không gian. Những con chim bốc rít cuồng điên, ào ào đâm thẳng vào bụng hắn. Rồi mất biến. Im bặt. Trong ánh sáng chập chờn, nụ cười hắn rực lên với hàm răng bung trắng tuyệt vời.

Người đàn bà biết bây giờ từng tối tôi đứng sau cửa rình xem chàng ta nhưng bà chẳng nói gì. Tôi không thể thò mặt tìm người khi ánh trời còn tỏ nên làm sao thấy được làn da ngả mật, lòng mắt sâu để xác định típ người miền biển Ðịa Trung Hải của anh ta, theo lời bà ấy. Cũng lạ, người đàn bà Á Châu này ra vẻ thông thạo bao điều. Sự hiểu biết không phô trương và quyết đoán của bà cho tôi sự tự tin để bày tỏ. Trong khi những suy nghĩ của người đàn bà ảnh hưởng, len lấn dần vào đầu tôi thì mọi hình ảnh cử động của chàng ta sùng sục đâm xới trái tim. Tôi sống hân hoan lẫn đớn đau với từng thứ ấy. Thân xác linh hồn đảo loạn bởi nhịp trống thôi thúc, rồi gẫy gập theo tiếng cứa cắt của thanh mã vĩ kéo rít tới cung bậc cao mút. Không biết chàng bày trò gì, làm chi với thứ âm thanh tàn nhẫn đó để tôi bị chặt đôi người. Nhưng cũng có khi tôi bay lượn dập dềnh trong điệu sáo một tối chàng thổi chờn vờn khúc nhạc gọi rắn âm u bên chiếc gùi nan kín. Hai con chim mỏ đỏ lông vàng mới đầu sợ hãi, cụm vào nhau. Bồ câu co ro trong chuồng nghe ngóng. Con rắn xanh lục thò đầu ra khỏi gùi, uốn vặn say mê, ngỏng lên thụt xuống theo đầu sáo chàng nhấc cao hay hạ thấp. Bên này con kinh, tôi xốn xao vòng bụng, quýnh quíu đôi chân như thể một vật gì trơn ướt đang liếm láp luồn lên. Rồi tôi thấy chàng ném tung cây sáo, nó quay tít đảo lượn bung ra những chiếc khăn đỏ thắm. Nhưng chỉ cần chàng vẫy vòng tay, bao nhiêu khăn điều lại biến đi vào không gian bỗng nhiên đặc sẫm. Lúc ấy chỉ còn những chiếc đèn lồng ánh lên sắc màu ảo hoặc.

Ngày Sainte Catherine, chán ngấy sự bỡn cợt giữa đám phụ nữ trong hãng thầu về những đứa con gái quá hai mươi lăm chưa chồng, tôi bỏ ra khỏi sở dù biết mình là trường hợp ngoại lệ. Chắc chắn không ai thèm động tới tôi, nói chi đùa bỡn hay rủ rê đến một party nào đó tổ chức hàng năm vào ngày này. Ðấy là buổi ăn uống nhảy nhót có đàn ông nhộn nhịp cho các cô gái sắp lỡ thời đợi gặp dịp may. Lòng vòng quanh thành phố một hồi lâu, lúc trời chập choạng tôi ghé vào đó, bố nằm sâu dưới mấy lớp đá, tôi lênh đênh trong những đám mây cuộn về đáy nghĩa trang đọng bóng chiều. Trên giường hấp hối ông còn cố xác định rằng tôi là gia sản lớn nhất của ông, là tặng vật của người đàn bà ông yêu nhất thế gian. Mẹ nghe thế cau mày quay đi, tôi im lìm ngẫm nghĩ : Giá ông yêu ít hơn, biết đâu cái gien ông gieo vào tôi trong bụng mẹ sẽ nhẹ bớt một phần, cho tôi có được tí sắc đẹp của bà thay vì giống ông khuôn đúc. Rồi thẫn thờ ngó tấm thân ấy xệch xạo bè nhão trên giường, trán gồ tai vểnh, tôi lại nghĩ xa hơn. Chắc hẳn người đàn bà luôn luôn chăm chút từng sợi lông mày như mẹ tôi đã nhắm mắt mím miệng cho đừng nhìn thấy cặp mắt khép mà vẫn con lồi con lõm, đừng chạm môi vào hàm răng nhô vẩu của người đàn ông đang hì hục trên người mình để gửi trao tặng vật. Chiều ngày thánh Catherine của các cô gái ế chồng tự nhiên tôi sôi sục bỏng nóng. Những phiến đá lạnh buốt không hạ nổi nhiệt độ hấp bàn tay và bưng lòng mắt. Tiếng kẻng giờ đóng cửa leng keng rời rã, tôi chẳng thể nhúc nhích nhưng một bóng người đang xoay bước cách đó hai dãy mộ. Hốt hoảng nhỏm dậy tôi tin là chàng ta. Tấm áo trắng phập phềnh trong gió lá, phút chốc bay vụt qua đầu ông gác dan, vượt khỏi cánh cổng sắt cao nghều.

Cơn sốt ứ trên làn da, tôi lạ lùng nhưng vẫn nghe lời nằm sấp cho bà cào từng lát từ cổ xuống lưng với chiếc thià nhúng vào ly rượu nóng ngâm củ gừng tươi. Bà xuýt xoa kêu mấy vạt sườn ửng máu là tôi ngấm đầy gió độc. Xúc động tôi buột miệng :

- Gió chướng này có phải vì tình yêu vô vọng của tôi cho người đàn ông ấy.

Bà không trả lời, tôi ứa nước mắt ấm ức :

- Không bao giờ tôi dám bước hẳn ra ban công và ngửng mặt lên nhìn để biết anh ta ra sao, nói gì đến tình yêu.

Người đàn bà ngừng tay, xoay ngược tôi lại vuốt xuôi nhánh vai và ấn giữa trũng ngực, nhỏ nhẹ nói :

- Ðừng nghĩ tới nó, chỉ nên tìm cách chiếm hữu điều gì mình có thể. Ðừng vì mặc cảm chôn vùi mình đi. Phải biết che bớt phần thiệt hại và phô bày ưu điểm. Thân hình này đẹp lắm, không phải cô gái nào cũng có bộ ngực, vòng mông, cặp đùi như vầy. Người ta đẹp cũng ở sự thông minh, ở chất nhạy cảm.

Tôi thở dài, nghiêng người hỏi bà về tình yêu. Ánh mắt hay nheo cười chợt mơ màng đằm hẳn nhưng cả gương mặt bất động, chỉ mấy sợi gân hai bên thái dương nổi xanh đập nhịp và khuôn ngực gầy của bà phập phồng dưới làn áo. Ðến lượt tôi nhẹ nhàng cầm lấy những ngón tay ấm mềm của người đàn bà không ngờ còn nức đầy cảm xúc khi nói về mối tình mình sâu đắm. Người tình bà được yêu thương một khoảnh thời gian ngắn ngủi trong cuộc đời dài mấy mươi năm đã mất biến đi một chiều không dấu tích. Bà loi ngoi một mình trong biển hồ, đầm lầy nghẹt kín mùi hương, cảm xúc, tinh dầu, da thịt. Bà lao đao đứng dậy bước đi, băng qua vùng mênh mông đan kết không gian và thời gian để đi tìm bờ ngực đã hơn một lần kề môi vào đó, dẫu biết rằng biển trời không tới được. Bà nói với tôi về nỗi xót đau những đêm cuộn trong lòng chiếc áo người đàn ông để lại còn keo vệt hồ trắng của một lần say đắm yêu nhau.

Thế là đầu tiên, tôi mua một tấm gương nhưng treo không cao quá để chỉ đủ ngắm từ cổ xuống chân. Sau tôi bỏ thời gian đi phố, đem về mấy bộ quần áo sát sao hơn. Trời chuyển mùa nhưng chưa mấy lạnh, áo chẽn eo nâng ngực vun đầy, chiếc váy ôm tròn cặp mông cao, tôi xoay đi ngắm lại, vững lòng với hình ảnh trong gương. Người đàn bà thấy tôi đi về trên gót giầy nhọn, nở nụ cười mãn nguyện đồng lõa. Tôi vẫn tắm ào ào thật nhanh, nhưng bỏ quên mẩu bánh mì và miếng phó mách, chỉ ly rượu vang vẫn rót ra cho hồng da mặt. Tôi chải mớ tóc dài che hai vành tai cẩn thận. Vài sợi kéo nghiêng phủ bớt con mắt hơi lồi. Khi trời sẫm, tôi ra ban công tưới cây hoa lấm tấm, đổ hạt cho cặp chim rồi đứng lại chờ đợi ánh đèn sáng lên bên ấy. Nhưng người đàn ông khi mở cửa nhà là chỉ loay hoay vui thú với cây kèn ống sáo, chim chóc và rắn cùng những dụng cụ cần thiết cho các màn ảo diệu. Ít khi để tâm nhìn trời, huống gì vớ vẩn vẩy tầm mắt qua một bờ kinh. Anh ta đem về một hình nhân dựng sát tường, khoác cho tấm áo choàng xanh phơn phớt. Người đàn bà bảo chắc sắp có màn phóng dao như trên sân khấu. Tôi nhăn mặt đưa bàn tay nhỏ che mắt, chúi đầu vào vai bố. Nhưng vài ngày qua, vẫn không tiếng dao lao phầm phập, hình nhân dần dần mệt mỏi vẹo cổ nghiêng vai. Chàng bỏ đi đâu không về, hơi sương khuya bốc lên ẩm ướt và hiu hắt, tôi buồn bã trở vào, vẫn quần áo đó nằm phịch ngang giường cho tới bốn giờ mười lăm phút thì xoay dọc người theo tiếng nước kéo ào xuyên qua tường vách.

Nhưng may có một lần ấy, hai con chim lông vàng mỏ đỏ cú rù im lặng, không nhảy nhót nôn nả như mỗi khi chúng nghe chàng ta nói chuyện với lũ câu bằng những tiếng huýt gió vu vu. Con trống cố kiễng lên con mái nhưng rồi nằm khụyu trên đó, uể oải. Tôi mở lồng lùa lùa chúng dậy xong vào bếp tìm nước chế thêm. Chẳng ngờ, hai con khôn lanh thừa cửa lồng toang rộng hè nhau bay ra, vút sang thành lan can nhà ấy. Chàng ta ngạc nhiên cúi xuống đưa tay, hai cái mỏ đỏ chiêm chiếp kêu thân thiện rồi nhảy tót đậu trên cánh tay áo trắng. Quên bẵng, tôi bật tiếng gọi và chàng ngước nhìn, tôi chợt nhớ ra khuôn mặt mình nên vội vàng cúi xuống. Nhưng tai vẫn nghe một tiếng chào, rồi giọng chàng huýt nhẹ tung hai con chim trở về với chủ. Chàng vào lấy sáo ra thổi, tiếng đêm nay không hun hút gọi rắn mà chao đi, đổ chùng xuống những âm điệu tha thiết rồi vút lên cao hơn cả màn trời sẫm tối. Khuya đó thêm một lần mở mắt, thả hồn bay bổng tôi tưởng tượng trăm hình ảnh. Cánh tay chàng quấn xiết bụng tôi, đầu cúi xuống hôn những sợi tóc rồi nhẹ vén lên, tay vung chiếc đũa đầu gắn một ngôi sao óng ánh, chàng bảo đang làm phép thuật cho tôi lấy lại gương mặt đẹp dịu dàng của kiếp trước. Tôi ấp má vào vùng ngực hôm nào trời tự nhiên hấp nóng, chàng đứng ở ban công để trần thảm cỏ xoăn xoăn vàng rượm màu rạ mùa thu.

Hôm sau chàng xuất hiện sớm hơn dưới con trăng sáng lạnh sắc băng, hình nhân được dựng đứng lại ngay ngắn. Trước hết chàng tô thật đậm đôi mắt, quét tươi gò má, vẽ vểnh mép môi. Người đàn bà sang thăm tôi đúng lúc chàng khoắng tay giật tung chiếc áo khoác, rồi vẩy bút khoanh tròn hai núm ngực, xoáy những vòng sơn tím ngộ nghĩnh quanh lõm rốn. Im lặng, ngắm nghiá, xong tóm hai cánh tay hình nhân vặn ra sau. Bất chợt như thế, cái trơn tru trắng hếu giữa hai ngáng đùi tròn càng lộ ra trơ trẽn, hình ảnh này khiến tôi rợn người khó chịu. Lột trần con búp bê có đủ ngực mông con bé đã lạ lùng hỏi mẹ tại sao cái phần ấy nhẵn thín. Mẹ nhăn mặt gắt : Chơi búp bê thì chỉ cần mặt mũi nó đẹp, mắt biết nhắm biết mở, miệng biết bú sữa, chân biết đi là đủ. Con bé ấm ức nín thinh, dốc ực bình sữa vào miệng búp bê, nhìn nước chảy ròng ròng từ cái lỗ nhỏ đục sẵn dưới đáy nó ngẫm nghĩ người lớn chỉ chế tạo những gì cần thiết, như vậy cái họ bỏ quên hay cố tình không động tới hẳn vì nó thừa thãi.

Hai người đàn bà phiá này tò mò sốt ruột ngóng qua con kinh bao nhiêu thì chàng ta ỡm ờ rình rang chừng ấy. Mấy con chim cuống quít bay ra định chúc mỏ vào hình người lạ lẫm liền bị chàng hất đuổi, chúng bất bình kêu choang choác chui rúc lại trong chuồng thò đầu gù gục. Chàng ta lùi ra đầu kia bao lơn, thẳng người, tập trung, ý chừng đợi cho tất cả đám chim và gió cùng im lặng. Bờ này, chúng tôi cũng nín thở. Trong chớp mắt, hai nụ tường vi trắng muốt được phóng ra cắm đúng hai đầu ngực hình nhân, rung rinh. Tiếp tới cánh hoa bướm đỏ lọt giữa cặp môi. Bà ta giật người thốt kêu :

- Chao ơi, phóng dao có độ cứng lấy đà, đằng này mấy cái hoa mềm xìu nhẹ như bông vậy mà phựt một cái. Quỷ thuật !

Bên ấy, chàng dư biết có hai khán giả chăm chú ngưỡng mộ nhưng phớt lơ tuy vậy nở nụ cười thoả mãn và quay người một vòng điệu đàng như đang trình diễn giữa sân khấu. Rồi ở lúc tôi và người đàn bà không chờ đợi nhất thì đột ngột cánh tay chàng bắn ra một đoá mận tía to lòng bàn tay. Cuống hoa đâm phập vào mô thịt trơn nhẵn từng làm tôi bứt rứt. Những cánh hoa nở bung ra, rung động như những tà áo hồng lịm đang quấn vòng trong một điệu vũ. Tôi xiêu người nắm lấy bàn tay bà ta, mấy ngón tay ấy cũng đang nẩy run nhè nhẹ.

***

Mê đắm bao nhiêu, tuyệt vọng ngần ấy. Thế mà điều đó đã xảy ra như phép lạ. Một tối tôi vừa khép cửa bất ngờ điện thoại réo vang, cái máy chưa từng biết reng lên một tiếng, tôi chỉ dùng nó để thỉnh thoảng thức dậy nếu chán chường mấy bộ mặt làm chung trong căn phòng kế toán chật chội thì gọi đến hãng thầu xin nghỉ. Ðầu giây, một giọng nói mà linh tính con người không bao giờ nhầm lẫn. Lắp bắp gật gù, tôi trả lời bằng những nhịp đập loạn cuồng trong lồng ngực. Ðầu óc mê dại, tôi nào nhớ nổi chàng đã nói gì. Buông máy xuống, tôi lê chân trần sang nhà bà. Cửa nhà chúng tôi hay quên khoá, bà đang thiêm thiếp trong ghế mây đong đưa, chân gác trên chiếc bàn đá vân xanh xám. Tôi ngồi xẹp dưới thảm không nói và bà cũng chẳng hỏi như thể biết được tất cả những gì xảy ra bên kia vách, bàn tay gỡ nhẹ những sợi tóc tôi quấn quít vòng cổ. Mùi ngọc lan đến mùa tàn đã bớt nức, lẩn quẩn trên các tấm gấm thêu, bay lượn qua những cuốn sách mà tôi chẳng thể đọc nhưng từng muốn hỏi xem chúng chuyển tải gì qua ngôn ngữ của bà ta. Giữa đêm, bà đứng dậy đưa tôi vào tận giường, kéo chiếc chăn mỏng. Khi ấy tôi nói nhỏ với bà về điều đã xảy ra.

Thế giới chung quanh bỗng từ đấy bốc thành hơi cuồng bay, cả con kinh mà mặt nước vốn đằm cũng nhộn nhạo dâng lên bao con sóng. Tôi hạnh phúc và lo âu sợ hãi, đồng một loạt. Ðôi ngày chiếc điện thoại lại reo, bên kia những câu thúc giục nhẹ nhàng cho một lần gặp mặt, tôi hoảng hốt viện cớ lùi dần. Ðể rồi buông máy ra là rơi chao xuống vực. Mê sảng từng cơn mơ, tôi không còn mò mẫm đọc tên những hàng xóm già trẻ nằm cạnh bố tôi vào buổi chiều nhá nhem mà thấy mình phất phơ màn áo lụa xanh xoay tròn luân vũ với hình nhân, dưới ánh mắt chăm chú diễu cợt của chàng, rồi bỗng nhiên tôi ngã sập xuống, tứ chi gãy rụng. Người đàn bà đã nhiều lần giơ tay vớt tôi lên, loay hoay khuyên giải. Nhưng bà ta thừa kinh nghiệm để cùng một lúc chia sẻ cái mặc cảm kinh khiếp đồng thời thấu trọn những xót buốt rút trong từng tế bào của đứa con gái đang ôm mê bao nhiêu xúc động. Tôi nghe ra điều ấy trong ánh mắt lặng lẽ của bà đã một lần chợp nhanh, thở ra rất nhẹ : Giá được một lần.

***

Ðã mấy ngày không phải chỉ màn sương mà bóng tối. Ðèn lồng tóp lại như những trái táo đen khô. Mấy con câu vắng chủ chẳng buồn chúc xuống điã hạt để sẵn trên bờ tường. Tôi ra vào bao lượt, cửa nhà bên ấy lạnh lùng hai phiến gỗ phẳng lì khép kín. Mây trên trời nặng trĩu, gió chạy vòng vòng quanh hai dãy nhà càng làm quay cuồng đầu óc tôi mộng mị. Khi quyết định lần này đóng chặt ban công rồi vào giường, tôi chợt nghe tiếng thở nặng nề của bà ta. Cầm chai rượu đầy đưa vào miệng, tôi thấy bố trước mặt nhìn mình vừa nhăn nhó vừa âu yếm, những giọt kem ngọt ngào chảy lem từ chiếc que vòng qua hai bên mép. Chúng tiếp tục ứa xuống cằm, thấm vào chiếc áo đầm thắt nơ trắng nõn. Bố đưa chiếc khăn lên chùi, mẹ lặng thinh ngoảnh mặt, bà sợ nhìn đứa con gái đã xấu xí lại lem luốc. Tôi hất tay bố ra. Tôi không cần biết gì, mê mải mút que kem, miệt mài chất rượu nâu óng say sưa.

Bóng người kề cận lúc nào chẳng biết, bàn tay kéo tấm áo tôi lên. Nó ấp vào da đùi một mềm ấm đến nỗi tôi không co quắp sợ mà các thớ thịt tự động dãn ra, hứng lấy. Cố mở mắt nhưng toàn một màn tối mênh mang hay là thứ sương dầy đặc bao phủ chập chùng. Bàn tay thứ nhì vờn lên ức ngực, tìm tòi tới núm vú xoay tròn. Cả thân tôi giựt cướn, bàn tay ấy vỗ vỗ ấn nhẹ tôi xuống như trấn tĩnh, tuột hẳn chiếc áo khỏi người, ôi hình nhân trần trụi. Những ngón vẽ vòng trên da bụng tôi bắt đầu căng nứt, rồi bỗng lần xuống dưới vuốt, vân. Tôi giật mình, đoá mận tiá như đang đón đợi mời mọc tự bao giờ, vội vã bấn lên. Trong cọ sát mơn man, những tấm cánh lịm hồng viền tím vén ra, rung rinh bao giọt sương li ti. Bất chợt, mặc kệ hoa còn đang hốt hoảng, một chiếm hữu bỗng xâm suốt qua nhụy qua đài qua cuống, lọt vào không nể nang. Lạ lùng, nó là gì mà đủ trơn đủ mềm đủ cứng để phá nứt bao tầng đất hoang, đụng tới đáy động thâm sâu, vùng vẫy. Nó là gì mà có khả năng làm buốt mê và mềm nhũn lòng hoa không ngờ như thế. Những cánh hoa như búp tay từng ngón xoè ra vươn lên đón nhận rồi lại quắp vào ấp chặt giữ níu lấy nó không rời, cùng nhau chuyển động vừa nhịp nhàng vừa thôi thúc. Tất cả từ đáy lưng tôi cong lên nao nức, những giọt sương không còn là hơi nước mà đã là cuộn vỡ của mạch sông dâng trào. Bóng trắng chờn vờn trên tôi. Một vành môi chụm đầu ngực, đặt lên mắt, phớt qua vành tai. Ðưa tay lên tôi muốn ôm đầu chàng vào ngực thì cùng một lúc những vòng lụa mềm phất phơ vuốt trên má quệt vào cổ, âu yếm lượn suốt cánh tay vờn quanh bụng, chạy dọc theo chân rồi lại cuộn lên. Tôi muốn níu lấy những sợi tóc nhưng chàng đã vuột ra, ấp đầu vào giữa vùng chân tôi mở bung quơ quíu. Dường như có mùi hương lẫn trong rượu nồng, có tiếng chim kêu hoan lạc, có tiếng sáo rơi từ trên không rớt lặn vào mặt nước con kinh rồi thổi sục lên, những giọt vỡ hoang tuôn tưới, đẫm tràn hai bờ rêu cỏ. Con rắn xanh của chàng cuộn lấy cả thân tôi, nó đẩy bụng tôi rướn cao, nó ghìm lưng tôi trĩu xuống. Những mấu răng cắn nhẹ, chiếc lưỡi nhọn lóc lách, nhụy hoa tơi tả. Tôi không còn giữ nổi hơi thở nói chi phân biệt được đâu là tay người hay ý rắn.

Sau đêm ấy, đèn lồng lại ảo sáng bờ kia con kinh nhưng cửa mở ơ hờ. Hai con chim vàng mượt của tôi mừng đèn quýnh quáng chíp gọi ồn ào. Thế mà không thấy bà ta ở ban công bên cạnh lên tiếng mắng chúng im như mọi lần. Tôi ngẩn ngơ chao đảo tìm kiếm bóng chàng, cơn mơ cuồng điên hay sự thật ? Ðêm, tôi thao thức chờ đợi sự tái hiện, chẳng lẽ người tình chỉ đến một đêm? Chẳng lẽ đoá mận tiá chẳng còn cơ hội nở bung trọn vẹn? Giọt sương rị ẩm giữa những cánh hoa để cuối cùng biến thành dòng sông đầy ứ sẽ bị chặn nguồn sau một lần được tuôn tháo ấy thôi sao? Ý nghĩ này xé rách tôi ra, trong bóng tối say đắm, hơi men còn đầy nên tôi không thấy rõ chàng nhưng chắc khi tôi đã thiếp đi thả mình nổi trôi theo con sóng mê man hẳn chàng đã nhận ra ngoài hoa son mềm mại và vũng đồi hoang dã ấy, phần còn lại là một phong cảnh bất xứng, dị hình. Càng dúi bộ mặt lệch lạc vào tấm nệm tôi càng nhớ buốt cảm xúc ngập lặn nhưng có lúc tưởng chừng chỉ là những làn sóng dập bờ rồi cuốn xa của biển. Cuối cùng mỏi mệt thiếp đi, đến khi tỉnh dậy giật mình chợt nghĩ, sao không nghe tiếng nước trước sè sè sau xoáy rút của bốn giờ mười lăm phút sáng?

Hai ngày sau, sốt ruột, tôi gõ cửa ngoài rồi xoay nắm. Nó thường không khoá như bên tôi nên bật ra ngay. Tôi chẳng phải tìm đâu nữa cả. Người đàn bà ngã sóng xoài, đầu đập trên góc chiếc bàn đá. Dòng máu từ đấy tuôn ra bệt dính những sợi tóc, thấm lan sậm đặc tấm thảm và mảng áo ngủ trắng mỏng manh. Bàn chân trần vấp quấn sợi dây điện của cây đèn ngay cửa vào đã đổ nhào lăn tới gần chiếc ghế mây. Những ngón tay tôi từng yêu quí còn nắm giữ một chùm khăn mềm lụa mỏng.

Mai Ninh

Cuộc Trầm Sát Của Loài Cá Voi
Tác giả: Mai Ninh
Rơi cắm vào mặt nước đen lúc quá nửa đêm, tôi cuốn theo tiếng cười rờn rợn của Miên từ sau gương kính. Chắc chắn nếu quay mắt lên, tôi sẽ thấy căn nhà giống chiếc đèn lồng treo ở chân triền đá. Cao hơn nữa, ánh sáng loé từ một vài nấm nhà lửng giữa sườn núi hun hút như những vì sao xa. Vào buổi chiều, trời đã nổi cơn giông. Sấm nổ trên mặt biển, đâm sâu xuống rồi thốc lên những vồng sóng cuồng nộ. Miên nói mùa này trời bão, nước dâng ba thước gió đập bảy ngày. Các thân thông chạy dọc suốt bờ oằn cong, tán ngả thấp, xòe đầu vào đồi cát. Trong vùng biển, ngoài thông, lau sậy và một số hải thảo xác xơ chỉ còn cát xoáy cuộn, di chuyển theo từng mùa gió nên có chỗ lượn cuốn ra sát bờ nước, rồi xa hơn, lấn vào đến tận chân ngọn núi vôi, đắp đồi và lấp vùi bao cây cỏ. Cát gió cũng đuổi người, chỉ còn hai ba ngôi nhà dọc theo con đường tràn lan cỏ cát, rẽ từ đường lộ chính vào đây. Hình như cách vài cây số mới có làng dân và hàng quán. Nghe tôi khen bãi mịn óng như da con gái, không rong rêu, sò ốc, Miên bảo, ngoài xa nhiều đá ngầm, cá cũng ít vào khu biển này, rồi nheo mắt:

- Nghe nói trăm năm trước một cặp cá voi lạc vào đây, ba ngày sau nằm chết thông thống trên bờ, mình đầy thương tích. Dưới ấy, trên tảng đá đen to nhất có khảm hình cặp cá đang làm tình, chị xuống mà xem.

Tôi chưa kịp đi, mấy luồng sét rực xanh chợt đập thẳng vào những đám mây dầy đen đặc. Xẻ nứt bầu trời trong chớp mắt, vạch những lằn xương sáng sắc trên thân cát vàng màu thẫm đi cùng bóng tối. Miên đã vụt chạy một mình từ nhà xuống bãi, bỏ mặc mấy người đàn ông có mặt thu dọn vội vàng ly cốc, thức ăn và những chai rượu đang uống dở trên sân vào nhà, trước gióng mưa. Ngực tôi nhói lên bất chợt. Tấm áo Miên trắng, quất phất phới giữa không gian chùng đen giông gió, phần phật mong manh và thách đố lạ lùng.



Giọng Miên mềm trong điện thoại, lời nhắn nhỏ nhẹ nhưng có gì bồn chồn, nhắc nhở ‘‘Chị đến nhé Mân, đừng lỡ hẹn’’. Tôi cũng cần gặp Miên, ít nhất, trước khi lên đường. Nhiều năm qua, lạc tin nhau, chỉ một lần về tới Tân Sơn Nhất đúng lúc Miên đến đó để ra đi. Tôi gọi quýnh:

- Miên, Miên.

Miên ngó ra, mắt sáng lên, nhưng giữa tôi và nàng là một khối người chen lấn. Tôi ngỡ ngàng ngóng theo. Nỗi xúc động của lần đầu trở về, vừa mới đặt chân trên quê nhà đã bắt gặp cô bạn thân thiết, làm tôi nghẹn ngực, thế mà không nói được một câu. Tôi chui vào chiếc xe hơi đang rồ máy, khói đen phun tỏa lên những con người đang ngồi đứng loanh quanh. Họ dửng dưng, không tránh né, như thể đám khói này vẫn là không khí hít thở bình thường, như thể đang bận tâm bởi điều gì khác, như tôi đang lao đao bởi bao kỷ niệm chợt ập tràn tâm trí. Miên của những ngày cả bọn cắm trại Vũng Tàu, có Hưởng, có Ðăng và Cương. Có tôi mặc áo tắm bước ra từ phòng thay áo trên bờ trong tiếng huýt sáo rút vang. Miên đang nắm tay Ðăng, trầm trồ:

- Chị Mân mọng trong như sứa, tụi em chẳng khác tôm đất.

Ðăng quay sang lắc đuôi tóc nàng, cười:

- Tôm đất mới ăn được. Sứa độc lắm.

Cương nằm lăn trên cát, tờ báo chụp mặt che nắng, dọc sườn nhấp nhô, nhỏm dậy, hếch cằm về một cô gái phốp pháp đang núc ních hai đùi gần bờ nước:

- Sứa tôm gì cũng ngon hơn cá mập.

Cả bọn phá cười. Hưởng gật gù nói:

- Ở xứ biển sướng mắt thật, trên cao nguyên mấy cô ăn mặc kín mít, chùm khăn đội mũ. Hôm nào sương mù, nhìn không kỹ là tán gái dễ nhầm cô nọ sang cô kia.

Miên đột nhiên ngắt lời:

- Chừng nào anh Hưởng lên Ðà Lạt nhập trại?

Tôi biết Hưởng đang nhìn mình nhưng tôi quay đi. Hai bờ vai trần nổi gai. Tôi mới đi thăm mộ Thanh được vài hôm, trước khuôn mặt còn vị thành niên trên tấm bia tôi thầm hứa sẽ không yêu ai trong ba năm tôi để tang Thanh. Miên nghe kể, trợn mắt mắng tôi lãng mạn.



Ð



Lấy một chuyến tàu tốc hành, tôi đến vùng biển Miên vẫn trở về ngủ vùi những ngày dài khi có thời gian.

- Hoang vu lắm, chị đến rồi sẽ thấy.

- Thế thì Miên ở đấy làm gì? Lại gió quanh năm.

- Ngày gió lạnh em ra đứng ngó. Ngó thứ màu xám chờn vờn suốt một không gian lồng lộng, thấy đời lạ lắm.

- Miên điên.

Lại tiếng Miên cười rộn rã bên kia đầu giây. Tìm ra tin nhau không bao lâu, mỗi người một nơi xa xôi, chúng tôi chỉ gặp được một lần vội vã. Trong điện thoại Miên hay cười, nói chuyện lăng nhăng, rồi cúp máy. Tính này còn giống ngày xưa. Ngày xưa, chiều tối trước bữa cơm, Miên chạy băng sang con đường, nhận chuông ba bốn tiếng dồn dập. Tôi vừa mở cửa, chưa nói hai câu, Miên đã dúi vào tay:

- Cuốn truyện anh Thanh đưa, chị Mân đọc đi. Ngộ lắm.

rồi tự động khép cánh cửa, chạy về.



Nhưng khi tôâi tới nơi này, căn nhà đã ồn ào tiếng người, họ đang sửa soạn bữa ăn trưa. Miên kéo ngay tôi ra mảnh sân sau nhoài về phiá biển, không để ý đến bỡ ngỡ của tôi về sự có mặt của những người khác mà Miên không báo trước. Ðưa cái ly lanh canh viên đá nhỏ trong màu rượu hổ phách cho tôi, Miên ngửng nhìn trời, nói thản nhiên như thể tôi đã ở đây tự bao giờ:

- Giông sắp tới, mình ăn nhanh rồi vào? Chị biết bọn họ nấu gì mà lâu thế không?

Tôi bật cười:

- Miên là chủ nhà. Chị mới đến. Không quen ai.

Bấy giờ, nàng quay mặt về tôi, mắt mở to đăm đăm mà giọng nói lại nhẹ bẫng:

- Thế ư. Em quên. Rồi sẽ quen cả. Chị nhớ hồi xưa không? chúng mình cuối cùng đều biết nhau.

Tôi ngạc nhiên, chẳng ngờ mới gặp vài phút Miên đã nhắc đến kỷ niệm. Trước đây, mỗi lần chợt gợi, Miên loắng thoắng hai câu rồi lảng sang chuyện khác. Mà chính tôi cũng không muốn nhắc về quá khứ, dù có bao điều nếu bật ra sẽ nhẹ lòng, những điều chỉ có thể nói cùng Miên, không ai khác. Chẳng đợi tôi trả lời, Miên đã chạy vào nhà. Tôi nghe tiếng Miên trầm trồ, thúc hối. Tôi nghe hai ba người đàn ông xôn xao và giọng cười ngăng ngắc của cô gái đã thoáng thấy lúc vừa đến. Ngồi trên một phiến đá sậm đỏ ở góc sân, tôi nhìn lên bờ tường gạch lát đá ong mòn lốm đốm, nhưng mấy cánh cửa ánh một màu xanh da trời sáng mới. Em đang cạo những cánh cửa cũ để sơn lại, chị đến xem, đẹp lắm. Ðây đúng là Miên, tươi, năng động hồn hậu của ngày nào. Cũng đúng là cô gái nhỏ tỉ mẩn hì hục cưa những thanh gỗ, đập búa đóng đinh, sửa chiếc ghế đẩu cho u già ngồi giã vừng, đóng lại miếng lưới chắn muỗi trên khung cửa. Thấy tôi trợn mắt, ngạc nhiên, cô cười:

- Bà nội bảo em là cháu trai hụt của bà. Mai mốt dễ chừng em phải cắt tóc ngắn ngủn lên.

Bỗng chốc tôi lại bị choáng ngợp quá khứ. Nhưng có phải, tôi định đến đây lần này để nói với Miên những điều mà ngần ấy năm tôi loay hoay mở ra đậy lại, chôn xuống đào lên. Trên chuyến tàu, tôi tưởng tượng ngồi với Miên trên bãi cát buổi chiều, hay trong một góc tối của đêm tràn tiếng sóng. Tôi sẽ kể chuyện tôi, rồi cuối cùng bảo Miên hãy nói về bao năm tháng đi qua.



Những tiếng cười nói đang từ trong bếp băng ngang phòng khách, ùa ra sân. Cô gái mặc jean chẽn, tấm áo đen chỉ cài ba hạt nút thấp, tay bưng chiếc đĩa bàn đựïng tôm nướng đỏ. Cô vừa uốn người tránh né bàn ghế vừa quay lại với một anh chàng tóc cắt thật sát, trẻ trung, dáng mạnh mẽ nhưng nụ cười không nở trọn, lộ một yếu mềm nào đó. Tiếp tới hai người đàn ông đem ra cốc đĩa và một nồi thức ăn bốc khói. Miên ra sau cùng, tay cầm chai rượu, tay kia chiếc ly sóng sánh vừa đi vừa uống. Hai chân Miên dài, đầu đong đưa cùng bờ vai theo điệu nhạc đang hát. Tôi không tin đấy là Miên. Sao có thể là Miên cho được?

Họ bầy tất cả xuống bàn đá, vui nhộn ồn ào. Khó đoán nổi họ đã quen nhau từ trước hay chăng. Miên giục tôi lại gần, lúc bấy giờ mới giới thiệu. Chị Mân, chị của Miên từ hồi nhỏ. Kim cháu một người quen. Hạnh bạn gái của Kim. Paul, hoạ sĩ ở ngôi nhà trên núi kia và Phiên, giáo sư sinh vật học từ một vùng biển khác. Nói xong, Miên đến gần thầm thào một câu:

- Vui đi Mân, như ngày xưa, cả bọn mình.

Rồi chẳng đợi, Miên nhón ngay đuôi một con tôm, kéo lên. Paul vội vàng chìa cho tôi cái đĩa. Biết đừng nên mong chờ một câu chuyện trong lặng lẽ với Miên, tôi ghìm chút bực bội lẫn thất vọng, ngồi xuống. Gió bắt đầu phất lao xao những lùm sậy đỏ, mây nhập khối ở chân trời, đè trĩu trên mặt nước dần thẫm màu ngoài khơi. Ba người đàn ông thay nhau rót cho tôi và Miên những cốc rượu. Chỉ có Hạnh không uống, vắt vẻo hai đùi căng trong làn vải, cặp môi đầy cắn mút ngon lành, con tôm cong cong giữa bàn tay móng đỏ, ngón út phẩy lên. Hạnh rộn ràng, nhảy từ thức ăn qua chuyện cặp cá voi, quay lại hỏi Phiên về một từ ngữ lạ, rồi quấn sang Paul vài ánh mắt.

Men rượu làm tôi quên cơn giông đang dựng, tôi nghe sóng bớt cuồng, tiếng Hạnh bớt uốn éo mơn trớn với cả ba người đàn ông, giọng hát Paul trầm ấm hơn, và thấy cả cái cười của Miên cũng bình thường. Phiên không ăn bao nhiêu cho thân hình lảnh khảnh của anh ta. Thỉnh thoảng Phiên nhích ghế ra xa như để có một khoảng cách quan sát mọi người. Trước đấy anh ta đã góp chuyện với giọng nói nhỏ mà vui nhưng bây giờ, trong bữa ăn, hai con mắt lại tư lự, chứa đầy dấu hỏi và chấm than. Tôi biết thế khi nhác thấy Phiên lắc lắc đầu, miệng nhếch một tiếng thở dài, rất nhẹ. Miên cũng quay mắt ngó thoáng qua Phiên, rồi nàng thản nhiên xoay ly rượu một vòng tay đưa lên uống cạn, duỗi dài chân trên ghế mây. Tấm áo trắng khiến Miên trở lại mong manh như hồi con gái. Nhưng chẳng hiểu sao tôi liên tưởng đến một điếu thuốc kẹp giữa ngón tay và đôi môi ấy tỏa làn khói chậm. Có lẽ vì dáng ngồi nửa buông thả nửa khiêu khích hay vì gương mặt bỗng đăm đăm, một nét mày nhíu lại của Miên? Cô gái trẻ vừa chùi tay vừa ngước nhìn nàng, vẻ dò xét lẫn chiêm ngưỡng. Bắt gặp ánh mắt Phiên dừng trên vai Miên, cô ta vụt nói to:

- Ông Phiên đã xuống xem tảng đá chưa? Ðó là loại cá voi xanh hay trắng?

Phiên hơi giật mình vì câu hỏi bất ngờ, Kim đã chen vào:

- Hình khắc trên đá đen, biết thế nào là cá trắng hay xanh.

Hạnh bĩu môi:

- Cứ gì màu, có những điểm khác để phân biệt, nhà sinh vật phải biết.

Bấy giờ Phiên cười:

- Tùy người khắc có để tâm đến các điểm ấy hay không. Nếu họ chỉ chú trọng việc ghi lại cặp cá đang làm tình, như Miên nói, thì hỏng.

Hạnh gật gù, quay lại phía Kim:

- Ăn nhanh lên, mình xuống xem chúng quấn nhau dưới cơn giông. Chị Miên đi không?

Miên đáp lửng lơ:

- Tôi nhìn chúng đêm ngày, mất ăn mất ngủ.

nàng hạ giọng:

- Phiên này, anh có biết tại sao mỗi loại cá voi di tản về những vùng biển khác nhau, chẳng hạn Carạbes và Ðại Tây Dương?

- Theo nhu cầu cả. Kiếm ăn và yêu đương.

Hạnh cắt lời:

- Lạ, mỗi giống ăn và yêu khác biệt?

- Loại ăn cá, loại ăn tôm. Còn môi trường để yêu tùy thuộc chàng tán nàng ra sao.

Paul đang thong thả múc từ nồi đĩa sò nức mùi rượu trắng với lá quế thơm chợt dừng lại, chu miệng huýt một chuỗi âm thanh riu ríu gió luồn qua vách đá, rồi chuyển sang tiếng kêu mu mu tựa một đứa trẻ khóc hờn. Mọi người trố mắt nhìn Paul, quên cả đám mây đen đã nghẹt kín bầu trời, sóng bốc cao, trắng xoá trên mặt biển sẫm, sắp táp lên tới chỗ chúng tôi ngồi. Miên bỗng đứng dậy vòng tay qua cổ Paul, chúm môi đáp lại vài tiếng rít se sẽ rồi bật cười:

- Thôi Paul, cá voi đực biến chế ngàn điệu hát êm ái để dụ tình nhân. Còn anh liu chiu líu chíu chỉ có ngần ấy, gọi dỗ được ai.

Paul giơ tay xoa rối sợi tóc ngắn của Miên, kéo bụng nàng sát gần nhưng mắt nhắm tít, tiếp tục huýt những tiếng kêu càng lúc càng lớn. Chúng bay lên đầu ngọn thông, dồn vào dưới những viên ngói cùng với gió. Tôi ngó lên mấy ô cửa xanh cao. Mây tụ về trên khung kính, hai ba khối thuôn cong chồng cuộn lên nhau, những con cá voi của ngày biển động. Bất chợt lằn sét xanh sắt đánh phựt vào thân cá, nổ tung bao mảnh gương. Mấy hạt mưa đầu rơi trúng vào ly rượu, máu đỏ bắn lên tà áo trắng của Miên. Paul mở mắt, ghì đầu nàng vào ngực nhưng Miên vút bung ra. Không nói một lời, nàng chạy ào xuống bãi. Trên này, ba người đàn ông buột gọi: Miên, Miên. Tiếng rơi chìm trong con sóng vừa hớp cả thân nàng.

Tôi nghe, Miên, Miên. Tiếng gọi nẩy trên đầu lớp sóng.



Ð



Mưa đá rào rạt giận dữ đập. Giữa nền trời đen và khung cửa tôi đang đứng nhìn ra là một màn trắng đục. Không thể thấy nổi những thân thông, nói gì bóng Miên. Chẳng chờ đợi, Kim đã vội vã chạy theo nàng xuống biển, mất biến ngay trong không gian tức khắc đông đặc, mù mịt ấy. Khi Kim dìu Miên trở lên, bọn họ đang ngồi quanh chiếc bàn thấp, một góc căn phòng khách rộng. Paul đã cầm cây ghi-ta nhưng bấm nhẹ vài tiếng rồi bỏ xuống. Hạnh ngồi trên thảm, thản nhiên dựa người vào chân Paul, nghiêng đầu cắn móng tay. Phiên lật ngửa một cuốn sách xong lại gập, liếc nhanh sau bìa, không đọc. Không ai để lộ sự lo âu, cả tôi, lặng yên nơi bờ cửa. Tôi ngó ra ngoài trời rồi quay nhìn họ. Những con người vừa mới ồn ào chộn rộn với nhau, bây giờ im lìm một góc. Vắng Miên, họ lửng lơ như thiếu chất keo hồ gắn bó. Chợt nhớ Miên bảo: hãy vui đi, giống ngày xưa đám bạn mình. Làm sao ngay phút này họ trở thành Ðăng thành Hưởng, ngay cả Miên, nàng thoắt biến đi như một cánh chim lao vút. Mà giá Miên đang đứng ở đây, tôi cũng sẽ nhìn nàng bằng cặp mắt ngỡ ngàng lạ lẫm. Cô gái dịu nhẹ, chút gì nhút nhát, từ tốn ngăn nắp bao năm trước giờ có trở về cũng chỉ như một thoáng hương ngâu quá mỏng. Khó lòng nhận ra nó giữa mùi hoa hồng, hoa lài nồng nả, nức lên dưới sức nóng một ngày. Những đóa hoa vội vã nở bung và nhả hương bất cần biết tới cơn giông sắp đập. Nhưng nếu cái cười dễ dàng, thái độ chút gì buông thả của Miên làm tôi lạ lùng bưng bức bao nhiêu thì hình ảnh nàng lọt vào con sóng lại khiến tôi muốn choàng cánh tay ôm lấy. Một buổi chiều Ðăng đến tiễn tôi đi, nắng hắt trên mái tóc vẫn bỏ mấy sợi dài đã nhạt làm xốn xao thêm lời Ðăng dặn dò:'Có gặp Miên bên đó, Mân để tâm đến giùm, cô ấy không cương cường như mình tưởng'. Tôi cũng biết Miên chẳng như thế, từ xưa. Ngày Miên sửa soạn đi du học, chạy sang nhà nằm với tôi trên gác sau, cô nhỏ chúi vào người tôi kêu:

- Ôm em đi Mân, lạnh quá.

Saigòn năm ấy lạ và lạnh thật, cuối tháng 11 đã có những ngọn gió giựt hết đám lá bàng. Cây me sau nhà, thò cành qua cửa sổ căn gác nhả từng trận lá lăn tăn. Khi mưa là thứ mưa bay bay xiên xiên mờ mờ bụi nước.

Tôi đẩy Miên xích ra, kêu:

- Ôm gì! Ðây là phận sự của Ðăng.

Miên nhăn nhó, rồi thở dài:

- Em sợ.

- Sợ gì?

- Chính mình.

Tôi lặng im. Chợt Miên tiếp tục:

- Này Mân, quên anh Thanh của Miên đi. Sao chị không chịu yêu Hưởng?

Hình như tôi trả lời Miên, tôi đang cố gắng đừng nhớ đến Thanh, anh họ của Miên là sợi dây buộc tôi và Miên với nhau, nàng chính là người chứng cho mối tình đầu đời tôi yêu Thanh thầm lặng. Nhưng Thanh đã bị tai nạn chết trong một buổi trưa trời dựng cơn nắng gắt. Tôi bảo Hưởng là týp người quá lãng mạn, tôi sợ bị đau thêm lần nữa.

Miên xoay người, tay vơ lên túm lấy vải mùng xanh lất phất cạnh bờ giường:

- Muốn không đau thì chính mình phải thay đổi Mân à. Vài năm nữa, khi em về lại chốn này, sẽ còn ai trong chúng ta?

Không còn ai thật. Ngay cả Miên, cả tôi. Nhưng có phải tôi đến đây để nói với Miên về những người năm cũ.



Phiên đứng bật dậy khi Miên bước vào, áo sũng nước dán trên thân thể, dính sát đồi ngực tròn, quấn lấy mông và hai vóc đùi. Mọi người nhìn Miên, nàng từ biển trồi lên hay vừa theo cơn giông rớt xuống giữa trời. Tôi ngó sững thân hình trong suốt như trong một giấc mơ, chỉ có mảnh quần lót lộ rõ dưới làn vải ướt kia là thật. Miên cũng mở mắt thao láo nhìn hết người này sang người kia, bất chợt nàng quay lại tôi, tay quơ lên ôm lấy hai vai, cất tiếng khan và yếu:

- Chị Mân, em lạnh.

Kim đã vào tìm chiếc khăn, Phiên dành lấy chùm lên nàng. Cánh tay anh ta dang thành một cử chỉ thật dài rộng để gom thu giữ lại cho mình. Miên ngửng lên ngó Phiên đăm đăm, bất ngờ nàng ghé môi hôn phớt lên cánh tay ấy, xong đi ngay về phía cầu thang. Tôi kịp thấy đôi môi vỡ ra, run rẩy. Thế nhưng vừa bước vài bậc, Miên chợt nói, rất thản nhiên:

- Phiên lấy rượu cho mọi người, tiếp tục đi, Miên thay quần áo sẽ xuống ngay. Chị Mân lên đây với em.

Ðến giường, Miên cởi chiếc áo ướt, cứ thế chui tọt vào chăn. Căn phòng chiếm gần hết diện tích tầng lầu, những mảnh màn mỏng dài lết đất, bờ tường trống ngoài một bức hoạ to, treo đối diện với hai khung cửa nhìn xuống biển. Tấm tranh nền màu xám loãng, mơ hồ, không thể phân biệt rõ ràng bầu trời và bức tường hay vách núi. Một đôi người tiến về trước mặt. Họ đi đâu, về phía núi, phía màn sương? Ði tìm gì mà hai tay đưa lên như gọi như chụp bắt. Một đốm tròn xa trên đầu, mặt trời hay vầng trăng? Nào biết. Nhưng người càng đi tới thì khoảng sáng lay lắt ấy càng lùi lại. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Miên bảo bức tranh của Phiên, sự chới với hụt hẫng đó. Thế mà người vẽ là Paul, hai bờ vai Paul rộng, mở ra một cách chắc nịch tự tin. Tự dưng tôi muốn nói với Miên điều này, nhưng nàng đã quay mặt sang bên, có lẽ nàng sắp ngủ. Tôi kéo lại vuông chăn rồi đứng dậy.



Dưới nhà không khí sinh động hơn, mọi người dọn ra mấy chai rượu mạnh và đĩa ô-liu đen bóng. Phiên cùng Kim bầy một bàn cờ. Paul đang sửa soạn gì trong bếp, với tiếng nói cười lanh chanh của Hạnh. Mưa đã dừng, chỉ còn gió lao xao nhưng tôi nghe bao chuyển động như cát chạy vòng quanh nhà. Một mảng trời đỏ hé ra giữa các cồn mây u tối. Thấy tôi, Kim mời:

- Chị Mân chơi với anh Phiên đi. Kim vào phụ bữa tối.

Phiên lẳng lặng đặt lại những quân cờ. Khi tôi đi đến nước thứ ba bấy giờ Phiên mới hỏi:

- Miên ngủ?

- Có lẽ thế.

- Lần đầu Mân đến đây?

- Vâng. Còn anh, chắc đã nhiều bận.

- Miên gọi, tôi đến.

Tay cầm con cờ, tôi không đặt xuống, ngửng lên ngó Phiên vì lối trả lời của anh ta. Nó ngầm xác định một mối liên quan nặng dầy hơn quen biết? Phiên, Kim và Paul, họ là gì đối với Miên? Tình cảm của ba người đàn ông này với nàng ra sao? Chúng khiến tôi nghĩ đến những gắn bó giữa Miên với Ðăng, Hưởng và Cương, ba người thanh niên ở tuổi vào đời năm tôi chưa tới hai mươi và Miên mười bảy. Nhưng nếu thuở ấy tình yêu của Ðăng hay những chăm sóc của Cương và Hưởng cho Miên lành lặn hồn nhiên, thì bây giờ tôi lại cảm thấy những người này đang cùng Miên quây nhau trong một ván cờ, một cuộc chơi.

Không bao lâu, bữa ăn dọn ra. Kim hỏi:

- Tôi lên gọi chị Miên?

Hạnh nói ngay, giọng to và sẵng:

- Ðã có chị Mân, ai nhờ Kim.

Phiên can:

- Có lẽ nên để Miên nghỉ, chừng nào khoẻ, Miên sẽ tự xuống.

Hạnh chẳng thôi:

- Sao anh biết?

Phiên giả như không để ý thái độ của cô gái, thản nhiên:

- Miên là như vậy, vả chăng cô ấy không quên mình là chủ nhà.

Paul nãy giờ lặng thinh vội chặc miệng, rồi cười:

- Chẳng biết ai là khách ai là chủ, chúng mình tự biên tự diễn. Thôi ăn đi, tôi còn phải leo đồi về nhà.

Liếc qua Paul, Hạnh kêu:

- Sao anh không ở lại?

Kim chen vào:

- Ðâu đủ chỗ ngủ.

- Sao anh biết? Hạnh cãi.

- Em không nghe à, Miên đã nói nhà chỉ hai phòng. Một cho hai đứa mình, chị Mân ngủ chung với Miên, còn anh Phiên, phòng khách.

- Thì Paul cũng phòng khách. Rồi chợt Hạnh reo lên thích thú: A, hay chúng ta ngủ hết ngoài này cho vui.

Không ai nói gì, cô tiu nghỉu, vùng vằng:

- Ai cũng lo cho chị Miên. Mà Paul, lúc nãy anh đã hứa vẽ cho tôi tấm chân dung. Anh không về được.

Cuối cùng, Paul đồng ý bảo về nhà lấy sơn cọ rồi trở lại. Hạnh sung sướng kêu thích Paul vẽ cô giữa ánh nến. Bữa ăn xong, tôi nghe Kim và Hạnh to tiếng với nhau ngoài hành lang ra sân trước. Rồi Kim hậm hực vào tìm cốc cognac, cầm đi luôn xuống biển. Tôi dợm bước lên lầu, bất chợt qua khung kính nhìn xuống cửa vào, dưới ngọn đèn bão treo cao, Paul sắp leo xe và Hạnh chạy ra. Cô gái kéo Paul thẳng dậy nói gì đó rồi bỗng rúc mặt vào khoảng áo sơ-mi mở rộng bầy bộ ngực đầy rượm lông sáng óng của người đàn ông vững chắc. Paul đứng yên vài giây, xong vòng tay đặt lên trũng lưng trần chiếc áo chấm gót Hạnh vừa thay, luồn xuống sâu rồi vuốt ngược lên bờ vai tròn cô gái. Gió quạt tà, xiết chặt hơn nữa những gióng đùi của họ.



Kim vẫn mất biệt và Miên không động tĩnh khi Paul trở lại. Hạnh vội vàng thắp hết các chân nến Miên để ở mọi nơi. Cô gái lăng xăng sắp xếp một chỗ thích hợp với Paul đang bày giá vẽ. Phiên lôi nhẹ tay áo tôi, hất cằm về hướng cửa. Nước dâng ào ạt buổi chiều giờ đã rút xa, nhưng mùi ẩm và tanh nồng đầy trong không gian. Mây trộn lẫn vào nhau trùng điệp. Tôi đứng với Phiên đầu góc sân, người đàn ông này có nhân dáng gầy gầy lưng khưng, khác hẳn Paul, nhưng vì sao lúc này cạnh anh ta, tôi cảm thấy một an toàn nào đó. Tôi biết mình đang cần nó, từ khi đến đây, tôi như bị mất thăng bằng. Chợt nhớ đến Miên, tôi ngửng lên khung cửa màu xanh, ngọn đèn ngủ phòng nàng tỏa ánh hiu hắt. Phiên cũng nhìn theo, không nói, rút bao thuốc chìa cho tôi. Mồi lửa nháy trong đêm tối, vụt chiếu sáng khuôn mặt xương xương và viền môi rõ nét của anh ta. Thoáng chốc, tôi nhận ra Phiên hao hao giống Hưởng. Mấy làn khói thuốc chưa kịp nhả ra đã loãng biến, bỏ lại một chút ấm trên môi. Phiên đang im lặng bỗng cất tiếng:

- Mân ở xa đây?

- Có lẽ gần hơn anh, nhưng tôi sắp đi xa, về lại Việt Nam.

- Mân còn gắn bó ở đó?

- Mẹ tôi và một vài… Về thử xem sao. Ít nhất chúng ta bây giờ có được cái tự do chọn lựa chốn ở.

- Mọi điều đều tương đối.

- Vâng, cũng đúng. Tôi muốn rủ Miên theo, một thời gian ngắn.

Phiên ngoảnh lại, đôi mắt mở lớn, đầy vẻ ngạc nhiên:

- Mân không biết lúc này Miên không thể đi xa được?

- Vì sao?

Giọng Phiên nhỏ hơn:

- Cô ấy sắp vào bệnh viện.

- Ồ, thực ư? Miên không cho tôi biết.

- Ðộ sau này tính Miên hay xem thường mọi chuyện.

Phiên ngừng, rít một hơi rồi dụi điếu thuốc vào bờ gạch, tiếp:

- Chắc chẳng sao đâu, Mân đừng hỏi nếu Miên không nói.

Vừa khi ấy Kim hiện ra trong khoảnh âm u giữa mảnh sân và biển tối. Ðến gần, thấy chúng tôi, Kim mở miệng cười. Nụ cười lúc này trọn vẹn làm nở thêm khuôn mặt vốn hiền. Kim hỏi ngay:

- Chị Miên dậy chưa?

Phiên đáp:

- Bây giờ nửa đêm, Miên dậy thế nào.

Kim kể đã đi sâu dưới bãi tìm cá voi. Tảng đá to mấy vòng ôm, tròn mịn, cặp cá khắc lên đó con trên con dưới quặp nhau, giống như người. Kim bảo gặp một đôi vợ chồng già dạo biển, họ ở đây đã lâu, xuống từ trên núi. Họ nói người một trăm năm trước đoán mò, ghi tạc lại theo lối sống loài người, ai biết cá yêu đương ra sao. Nhưng lạ là cá voi thường đi chung một đàn, khi chúng tán tỉnh nhau, một anh phải chiến đấu với mấy địch thủ, vậy mà hai con này lại tách ra lọt vào đây. Hẳn là một cặp tình nhân u uất đi tìm tình yêu và cái chết. Cách đây ba mùa bão lớn, giữa đêm có tiếng kêu ríu không to nhưng u ú rền lên từng chặp ngoài khơi. Buổi sáng trẻ con từ đồi xuống thấy một nàng cá mười chín thước ngửa tênh hênh trên cát. Sau mấy ngày nằm cô độc dưới mưa gió, nàng đã bị người vùng này kéo ra giữa biển, xác bị nổ mìn, máu theo sóng trôi về đọng mấy ngày dưới chân tảng đá ấy. Kim thêm:

- Ðể tế lễ tình yêu. Có lẽ vì thế, cát ở đó sẫm màu hơn chung quanh.

- Làm sao cậu nhìn thấy màu cát trong đêm? Phiên hỏi.

Kim cười:

- Em có con mắt thứ ba. À, mà sao Miên không nói đến chuyện nàng cá voi tan xác?



Ð



Lúc chúng tôi trở vào phòng khách, Hạnh đang thả người trên ghế bành cong, chân gác lên chiếc bàn con, hai tà áo xanh ngọc giạt sang bên, một khoảng đùi giữa rưng rưng trong bao nhiêu ánh nến đặt trên bàn, trên tủ và cả ở bệ cửa sổ. Mắt Hạnh long lanh cùng những đốm lửa, mái tóc dầy dợn sóng lúc này tháo bung. Trông Hạnh già hơn nhưng sắc sảo lạ lùng. Thấy chúng tôi, Hạnh hơi nhổm người, hỏi Paul vẽ xong chưa. Paul trả lời anh ta không cần cô gái nữa. Giá vẽ của Paul đâu lưng lại, chúng tôi không thấy được bức họa. Hạnh định chạy đến gần, Paul giơ tay cản:

- Sáng mai rồi xem, tôi chỉ mới phác thôi. Hạnh đi ngủ đi.

Hạnh không bằng lòng nhưng cũng lui ra, vào phòng tắm. Kim chẳng nói gì, cúi tìm chai rượu. Chùi cọ vào miếng vải, Paul ra ngồi ở bàn, đưa ly cho Kim. Tôi nói với Phiên tôi lên ngủ phòng Miên trong khi anh ta vất những miếng nệm và gối xuống thảm. Mấy ngọn nến chao đi.



Căn phòng nhờ nhờ ánh sáng, Miên dường vẫn nằm nguyên như lúc nãy. Tôi nhìn lên bức tranh trên tường, thật lạ lùng hai bóng người chợt hoà nhập vào nhau, những khối xám bật trắng, rờn rợn. Có tiếng đập xào xạc, tôi vội vàng đến bên cửa sổ, một đàn chim từ biển lao vào mấy cây thông cành xơ vì gió. Bỗng giọng Miên nhẹ sau lưng:

- Chim ở đây không ngủ ban đêm Mân ạ.

Tôi giật mình quay vào, đến ngồi cạnh giường, bật thêm ngọn đèn nhỏ. Gương mặt nàng thoáng chốc gầy rốc. Chợt nhớ lời Phiên, ngực tôi đau nhói, giơ tay vò những sợi tóc ngắn như một đứa con trai niên thiếu của Miên. Chúng rơi qua mấy kẽ tay, thưa, mỏng.

- Bà nội và các cô các bác em đã chết cả rồi, em đâu phải đóng vai thằng cháu của giòng họ nữa hở Miên. Hãy để tóc dài ra một chút, hợp khuôn mặt hơn.

Miên không đáp nhưng bờ vai ngoài tấm chăn rung khe khẽ. Tôi để ngón tay lên giọt lệ của nàng, rồi kéo nhẹ qua thái dương. Nàng nắm lấy bàn tay tôi:

- Chị nói đúng, những người tham dự thảm kịch đã ra đi cả rồi. Nhưng oan nghiệp chưa xong, Mân biết không.

Giọng Miên nho nhỏ, đủ tôi nghe. Trước đây, qua cái chết của Thanh tôi đã biết sơ về cái chết của tất cả những người đàn ông con trai trong giòng họ nội nhà Miên: ông, bác, cha, chú và các anh họ, cả anh trai nàng nữa, đều bị yểu mệnh. Gia đình nàng tin rằng nguyên nhân là từ một lời nguyền của ông chú, em trai ông nội nàng, đã di truyền đời cha sang đời cháu. Bà nội Miên mất hết con cùng cháu trai nên phủ lên nàng tình thương và kỳ vọng. Nhưng không ngờ, bây giờ nàng kể tôi mới biết, bi kịch chưa chấm dứt ở đó. Bao năm sau ở ngoài quê hương, một ngày Phiên ghé thăm Miên với một người bạn mới tên Phil. Giữa quãng đời nghiêng chao lúc ấy của nàng, Phil mang những đường nét toát ra một lôi cuốn gì vừa bao bọc vừa gọi mời như một ngôi nhà thân thiết. Miên bảo nàng đã đi vào ngôi nhà ấy bằng niềm tín cẩn cuối cùng. Miên yêu mà nào ngờ được Phil có tên Việt-Nam là Băng. Khi biết Phil là Băng, Miên đau ngất nhưng cũng cố viết tờ thư cho cô Phượng, người cô cuối cùng còn sống ở quê hương và là chứng nhân vở kịch giòng họ. Bà cô đang đau nặng, đọïc thư cháu rơi ngay vào cơn mê, rồi mất.

Miên ho một tràng dài, tung chăn ngồi dậy, dựa vào thành giường. Mảnh vai nàng mang màu nắng biển, vài vệt muối nhạt chạy giữa hai vùi ngực vẫn đầy, tuy hốc trũng dưới chân cổ để nhô vảy xương gầy guộc. Tôi chợt hiểu ra Miên sống bây giờ bằng những vang động chớp loé. Tôi muốn hỏi Băng đâu nhưng Miên quay nhìn ra cửa sổ. Có đôi mắt nào cuốn hút một nỗi đau lặng lẽ mà kinh hoàng đến thế không? Tôi chưa từng thấy. Một chốc sau, Miên lại nằm xuống, tôi cũng vào giường và nâng đầu nàng đặt lên cánh tay, như thời nào. Hơi thở Miên đã bình thản hơn, tôi với tắt ngọn đèn. Lũ chim ngoài kia vẫn sùng sục, chắc chúng lại bay từ ngọn thông sang mái ngói. Thủy triều đang dâng trở lại, tiếng sóng vọng miên man. Sóng dồn dập một đời người, mê mải.



Ð



Thiếp đi trong giấc mơ nặng nề, tôi choàng thức lúc Miên đã ra khỏi giường và đang mặc lại quần áo. Bầu trời treo trên khung cửa vẫn chùng những lớp mây đen, đêm chưa ngả về sáng. Miên bảo xuống nhà kiếm gì ăn, tôi đi theo nàng. Phòng khách chìm trong những tiếng thở, chẳng biết ai nằm trên sofa và dưới thảm. Cánh cửa ra sân sau dường vẫn mở. Gió bay màn và lất lay những cành thủy trúc. Miên kêu đói nhưng đến bên bàn rót đầy ly rượu, tôi không cản tuy lòng chẳng yên. Làm sao tôi yên khi thấy nàng lơ là bất cần như thế. Chúng tôi băng ngang phòng khách ra sân. Một người đã ngồi trên bờ tường gạch, chỗ tôi đứng với Phiên khi nãy. Paul nghe tiếng động quay lại. Trời không lạnh nhưng anh ta quấn áo khoác quanh vai. Trong bóng đêm chỉ còn mái tóc anh rưng sáng. Miên đến gần, Paul thân mật cởi áo choàng phủ lên nàng. Tôi hỏi sao Paul không ngủ. Miên đáp hộ:

- Paul hay xuống biển lúc mọi người đang mơ, hoặc chỉ khi bọn trẻ con trong làng kéo tới rủ chàng hoạ sĩ.

Paul thêm:

- Hay lúc cạn rượu, phải xuống xin Miên.

Giọng anh ta không ấm mạnh như buổi chiều ca hát, nó khàn và mang chút gì xa, mỏi. Rồi chẳng nói, chúng tôi bỗng cùng xuống biển. Tôi định rủ hai người đi về phía tảng đá cá voi nhưng họ lại rẽ sang hướng khác. Ðã quá lâu, lâu tựa chưa bao giờ, tôi đi trong không gian sâu rộng đến thế. Sâu vì đêm tối vì những ý nghĩ miệt mài hun hút. Rộng do trước biển cả chập chùng trào dâng kèm theo cảm giác đơn độc lạnh người. Tôi ngó sang Miên, nàng bước thênh thang giữa trời nhưng tôi vẫn thấy ở Miên một cánh lá bay chao, dập dềnh mặt sóng. Cơn giông mới đập một chiều thế mà sự bình an lặng lẽ của vùng biển lúc tôi đặt chân đến không còn nữa. Cành cây gẫy chạy ràn rạt trong gió. Những đồi cát mượt mà nay sẫm đặc, hình thù nặng nề đe doạ. Các thân sậy lơi khơi đong đưa cũng mịt mù bóng dáng. Chúng quá mảnh mai để nhìn thấy giữa đêm hay gió loạn cuồng thổi về vài giờ đủ làm rạp đổ. Xa hơn, một mõm đá trồi ra như đầu cá sắp chuồn vào biển. Phiên đã bảo bên kia mõm đá là một vùng san hô trắng, đêm có trăng chúng xòe ra những cánh mẫu đơn nguyệt bạch. Phiên là ai? ngoài những đường nét giống Hưởng, Phiên là gì với Miên? ở mảng đời tôi không tin con người còn đủ sức lãng mạn. Miên chợt kêu lạnh, tôi bảo Paul hãy đưa nàng lên nhà. Tôi muốn ở dưới này thêm chốc nữa, đầu óc thân thể mưng mưng, tôi muốn được chìm ngay trong muôn bọt nước. Họ quay đi, tôi bước về mõm đá. Nhìn lại, bóng hai người nắm tay nhau bỗng nhập nhoà trong một màn sương hay bụi nước. Lại tiếng cười Miên phung phí cất lên, rơi vỡ. Trên đồi lửng lơ vài ba chấm đèn yếu nhạt như đôi vì sao hôm sắp mất.



Ð



Bầu trời lại cuốn mây giông khi tôi trở về, phòng khách vẫn im ắng, nhưng trong bếp có ánh đèn. Hạnh mặc áo ngủ, xoã tóc đứng sững trước giá vẽ, chắc Paul đã đem vào đây vẽ tiếp. Dường như cô gái không biết tôi ở ngưỡng cửa, đột nhiên cô cúi xuống mở hộp sơn, nhúng mạnh cây cọ, vung tay. Tôi hoảng hốt chạy vào giữ lại, chiếc cọ rơi xuống sàn sau khi quết một vệt sơn xanh lên bức họa và đáp giữa ngực áo tôi còn ướt nước biển. Màu sơn ấy, màu xanh của hai vạt áo Hạnh trên tranh đang nức sáng. Ðúng thế ngồi quyến rũ đó của Hạnh khi làm mẫu cho Paul trong buổi tối. Chung quanh người đàn bà, những đốm màu lung linh lửa nến. Bất chợt tôi rung người, giơ tay vịn vào một thành ghế. Trên bức tranh, đôi mắt đang nhìn tôi, miệng mỉm một nụ cười nửa hiền lành nửa nhếch vẻ diễu cợt. Gương mặt kém dầy đặn hơn khuôn mặt Hạnh. Và mái tóc ấy, những sợi ngắn của một thiếu niên. Hạnh thở mạnh, cái nhìn đổ xuống, nặng trĩu. Một phút sau, Hạnh bốc tấm tranh khỏi giá, cầm bước thẳng ra phòng khách, bật đèn, gọi giật giọng: Paul.

Chỉ có Kim tung mớ chăn, choàng dậy. Không thấy Phiên đâu. Vừa khi ấy tiếng máy xe nổ từ sân trước, bánh lăn xộn xạo mặt sỏi. Miên trên đầu cầu thang bước xuống. Kim và Miên lặng ngó bức tranh Hạnh còn cầm trên tay. Mảng cọ Hạnh gạch nghiêng một đường không ngờ lại nhẹ như một tấm màn phất lên chân thiếu phụ. Rồi chẳng hiểu sao chúng tôi cùng nhìn nhau, những ánh mắt mỏi mệt ngỡ ngàng nửa đêm về sáng. Miên lại gần tôi, người nàng thoáng xiêu nghiêng đúng lúc Phiên xuất hiện giữa khung cửa rộng mở ra bãi. Sau lưng Phiên một nhánh sét vút xẻ chân trời. Bộ quần áo ngắn anh ta đang mặc cũng ướt như tôi. Phiên dừng lại, nhìn đủ từng người nhưng không lộ chút ngạc nhiên. Dường như tất cả mọi điều ở đây anh ta đều biết. Có phải Phiên cố tình bỏ mình vào cuộc cờ vây, đồng thời lại là người đứng ngoài quan sát những kẻ chơi cờ, để thỉnh thoảng nhíu đôi mày trước một bước đi bất cẩn? Nhìn xong, Phiên đảo mắt qua bức tranh, nói:

- Paul về rồi.

Không hẳn là một câu hỏi nên chẳng ai đáp, kể cả Miên. Nàng bước qua trước Phiên, ra ngoài sân gió. Tôi vội vã lên lầu thay nhanh quần áo rồi trở xuống. Phòng khách trống, không thấy Kim và Hạnh. Mấy tấm màn lồng lộng, gió lên. Bao nhiêu chân nến đọng sáp trơ trẽn dưới ánh đèn. Phiên một mình trong bếp, ly cà phê trước mặt, tay cầm hộp sơn xoay xoay. Anh ngước nhìn tôi lặng lẽ. Tôi đi ra với Miên, nàng ngồi vắt hai chân trên bờ đá. Những giọt nước từ xa bắn về đậu môi tôi mặn chát. Biển lao lên, cát dường đang cuồn cuộn cuốn tròn theo từng cơn sóng. Chỉ mới một hôm nổi giông, nếu như lời Miên phải bảy ngày gió đập, ba ngày nước dâng. Tôi nghĩ mình không ở lại đây đến hôm trời quang mây tạnh, cũng nhớ chưa thể hỏi Miên bao giờ nàng vào bệnh viện. Miên chợt cất tiếng:

- Phiên mới bảo gần chân tảng đá đen, cát vừa bị hũng sâu dài hai mươi thước, nước xoáy tròn vần vũ. Lúc nãy mình không đi hướng ấy.

- Vào thôi Miên, kẻo lạnh. Sáng ra mình xuống xem dấu cá.

Miên thở ra thật nhẹ, giọng bay trong gió:

-Nước dâng lấp cả rồi, còn đâu nữa để xem. Cá có vào đây yêu đương cũng không dại dột yêu đến trầm sát như trăm năm xưa. Chúng đã trở về với biển.

Hợp âm trong vùng sân khuất
Tác giả: Mai Ninh
Nắng chỉ nghiêng xuống khoảng sân hai giờ một ngày là nhiều nhất. Từ nơi tôi đứng, nếu nhìn chéo về bên trái sẽ bắt gặp những con chim phượng thêu ren trên mấy tấm màn cửa sổ được kéo ra mỗi ngày trong cùng khoảng thời gian ấy, để đón nắng cho óng ả chậu cây xanh của người đàn ông màu tóc đã bạc phơ. Còn trước mặt, tầm nhìn bị chặn ngang bởi bức tường bọc quanh khu vườn tòa lâu đài cũ xưa. Bao nhiêu cành phong bám sâu trên đá tổ ong lồi lõm, điểm những cụm hoa dại nở tùy mùa. Nhưng ngoảnh sang tay phải, tôi sẽ lọt hẫng vào hai khung kính to, trong vắt, treo lơ lửng trên vòm cổng dẫn vào mảnh sân chung lát những hòn đá xám, kẻ vuông vức bằng nhiều lằn cỏ xanh chẳng bao giờ được cắt xén. Thỉnh thoảng người bạn ghé qua, đứng gần bàn viết cạnh cửa sổ, thốt một câu đã hỏi nhiều lần, Thế nào được, với bức tường lừng lững ngang đầu và các hình chữ nhật lẫn ô vuông đóng khung bên trái, bên phải, dưới chân. Tôi cười lãng đãng, hiểu làm sao thế giới ấy, những con người loanh quanh trong vùng sân khuất lấp.

Ngay dưới tầng lầu tôi ở, người đàn ông cỡ tuổi bốn mươi chạy ra chạy vào với thằng bé phụ bếp. Cả hai đến từ miền Nam nước Ý, mang theo màu da nâu ngăm, giọng nói đục, và cái cười không dè xẻn. Quen thuộc nhất là những buổi chiều khi nắng ngả, tôi nghe vọng lên tiếng huýt sáo mấy âm điệu ‘‘Torna a Surriento’’ lẫn với mùi sốt cà chua và các loại lá thơm. Tất cả như bốc thành hơi len lỏi trong vườn chanh xanh um lá, ửng quả vàng cạnh bờ biển mà anh ta một năm đóng cửa hiệu ăn hai tuần để trở về thăm viếng. Mỗi lần, anh đem thằng nhỏ đang phụ bếp trả lại, rồi dẫn sang đứa khác.

- Signora à, tuổi này lơ mơ là lêu lổng làm bậy ngay.

Tôi cười :

- Chẳng biết có phải hắn là thằng nhỏ đã xì lốp xe tôi trước tiệm cà-phê làng Sorrento thơ mộng của anh không?

Anh ta cãi :

- Ðâu có chuyện đó ở quê tôi, chỉ xảy ra ở Naples thôi, chính mấy đứa này tôi đem từ đó tới.

Nói rồi, miệng búng thẳng cái hột ô-liu bay vọt. Giá những khe cỏ có nhiều đất hơn, với bao nhiêu hột anh ta đã nhổ, hẳn một ngày sẽ có cây ô-liu mọc lên trong mảnh sân này. Anh đưa tay vò vò mái tóc dầy đen của thằng bé vừa lọt tuổi trưởng thành, đang cán những sợi mì trên chiếc bàn gỗ kê gần cửa ra sân. Nó lắc đầu tránh né làu nhàu bằng tiếng Ý mà nhờ nghe quen tôi đoán ra ý nghĩa. Mỗi thằng nhỏ khi nói được ít câu tiếng xứ này, để bắt chuyện với tôi và người đàn ông già có chậu cây xanh, thì lại lên đường về quê. Ðôi lần tôi hỏi anh chủ, sao chẳng để chúng học nghề lâu hơn, anh ta khua tay cười cười, cặp lông mày rậm nhướng lên chùng xuống.

- Còn nhiều chuyện để làm, còn lắm thứ để làm...Signora.

Tiếng hát ‘‘ Come back to Sorrento ’’ ấy là của buổi chiều. Ðến chín giờ tối tới phiên những nốt dương cầm trong bản concerto thứ 26 của Mozart tuôn xuống từ khung cửa có màn chim phượng. Âm thanh từng chuỗi reo trong rồi bùng lên cùng với dàn nhạc mạnh mẽ đăng quang. Người đàn ông tóc trắng nghe nhiều nhạc cổ điển, nhưng cứ ở khoảng đêm tối đó ông ta để đĩa nhạc này. Ông sống một mình, ít người lui tới, thường đi ra ngoài rồi trở về lúc gần trưa, khi anh phát thư dắt chiếc xe đạp vào qua vòm cổng. Hai người hay trao đổi vài câu trước thùng thư của tôi. Thỉnh thoảng tôi về ngang lúc ấy, ông già nghiêng đầu chào và anh phát thư vội vàng rút lại xấp thư đã bỏ vào thùng, đưa cả cho tôi.

- Nhiều thư và sách báo quá, làm sao đọc hết.

Ông già tự nhiên nhún vai đáp hộ :

- Cũng phải hết.

Một lần, ông ta đề nghị mang giùm tôi lên lầu. Căn gác tôi ở chỉ có mỗi khung cửa sổ nhìn xuống vùng sân ấy, không đủ ánh sáng nên tôi để nó trần trụi, không màn, không cây cảnh. Ông già có vẻ ngạc nhiên trước không gian nhỏ hẹp, độc cái giường đầy gối chiếm hết góc phòng và một bàn viết với ba cái ghế. Những thứ ấy nằm gọn giữa những bức tường che kín bằng kệ sách. Tôi quay vào bếp cắm máy cà-phê, ông ta đến gần bàn để chồng thư từ lên đó. Vừa mở tủ lấy hộp đường tôi vừa nhìn ra, cái túi ni-lông đặt trên sàn gỗ lòi thanh bánh mì dài và cọng tỏi tây. Ông ấy đang đứng trông ra mấy cây bạch dương mọc cao trên vùng đất phiá bên vườn lâu đài, mái tóc sáng rưng rưng như lá bạc, bỗng nói thản nhiên :

- Cô chong đèn khuya lắm.

Tôi đáp với ra:

- Tùy khi tôi hứng.

- Thế à, ngày xưa...tôi có làm thơ, nhưng thích đọc hơn.

Tôi bưng khay cà-phê đến gần.

- Bây giờ thì không?

Người đàn ông quay lại, tôi ngỡ ngàng bắt gặp, trên khuôn mặt đậm dấu thời gian, một ánh mắt xanh bàng bạc.

- Hồi xưa, mở tờ báo ra là thấy thơ, bây giờ, muốn đọc thơ phải tới nhà sách, phải đi tìm mua mới có, phải bới lục trong cả rừng tạp chí và sách báo. Ngay cả, cô không thấy sao, tiểu thuyết truyện dài, tự truyện đầy ối, nhưng truyện ngắn khó tìm.

Khi ông ta cầm túi ni-lông đi xuống cầu thang, tôi nghe tiếng bước chân chậm chạp, khác hẳn những câu nói mau mắn, rõ ràng vừa qua. Từ trên cửa sổ tôi nhìn theo dáng ông hơi gù lững thững đi về nhà mình, dừng lại trước hộp thư, mở ra, trống lốc, rồi từ từ đóng lại. Lúc ấy tôi chỉ mong đến chín giờ đêm, để âm thanh lồng lộng rộn ràng của bản concerto đè lấp giùm tôi cảm giác bùi ngùi. Tôi trở lại bàn viết, những con rối của tôi đang múa may trên nhiều trang giấy dở dang với những nếp đời bừa bộn quá. Con này mang bộ mặt thảm đạm đến quái đản, luôn luôn chực chờ rập rình, tưởng mình sắp cho ra đời thứ triết lý hiện thực nhất để chứng minh sự tận diệt của con người. Con kia tưng bừng buông thả tâm hồn lẫn thân xác trong bất cứ giờ phút sống nào, nhưng chỉ cần trong một giây nhìn lại quanh mình, bắt gặp cái ‘‘không thời gian, không không gian, không một ai’’, là đủ để rít lên tiếng kêu oằn oại của loài chim trúng tên, sa từ đỉnh núi.

Có nhiều giống chim lạ vỗ cánh về trên những cành cây bên kia khu vườn rộng. Có con chim xanh lông rất mượt với mỏ vàng hay xà xuống tìm sâu trên viền cỏ ô vuông, rồi bay vút lên đậu ở đòn gỗ chìa ra nương những mảnh ngói. Dưới đó là hai khung kính treo trong vắt thường thấp thoáng bóng người đàn ông cuối cùng của thế giới tôi. Gã thanh niên độ chừng hai mươi ba tuổi, ít nói nhất trong bốn người chính thức ngụ trong khoảnh sân này. Không biết chàng ta sống bằng gì, nghe đâu học Beaux Arts, người dong dỏng, ra dáng lắm với tấm cạc-tông kềnh càng đựng tranh cặp dưới nách. Tóc óng ả, mắt trong như người Bắc Âu, nhưng anh chàng thường thích vào tiệm Sorrento ngồi trước miếng lasagne váng màu, thơm nhiều lớp. Tới khuya hiệu ăn đóng cửa, chủ và khách còn tiễn nhau với ly rượu trong tay dưới cửa phòng tôi, cười đùa dậy nhau những câu nói lóng và tục. Như ngầm thỏa ước, thời gian của âm thanh nơi đây chia đều cho từng người. Chen giữa đầu buổi chiều dành cho anh người Ý trút nỗi sầu xứ trong mấy đoạn O sole mio...và chín giờ đêm của bản concerto vừa thánh thót vừa lừng lững là khoảnh khắc lúc ngày tàn, mơn trớn dập dềnh điệu jazz của gã thanh niên. Còn tôi, có quyền đánh thức những người đàn ông này vào buổi sáng. Tùy theo hứng thú vui buồn, thời tiết tốt xấu, mưa gió hay nắng đẹp, tôi tha hồ tung ra từ Barbara, Brel, Beatles tới Collins...có khi rất ngược đời bằng giọng Joan Baez xót xa một thứ Farewell Angelina đã cũ. Không biết tự bao giờ đã như vậy, không ai phản đối ai. Mỗi người sung sướng hân hoan với giờ phát thanh của mình và tôn trọng vùng âm thanh trong người khác.

Cũng nhiều lần gã thanh niên về với một tên bạn, chợt những tiếng cười vang lên cùng điệu rock hay disco sầm sầm sau đó. Anh tiệm ăn liền chạy ra sân, tay tung hứng cục bột mì đang nhào nặn, người rập rình uốn éo theo. Thằng nhỏ phụ bếp chừng như bừng ngủ, quay tròn bàn tay múa máy với những sợi mì vàng đượm, dù trước đấy nó đã trố mắt trên từng bước đi đỏm dáng của tên bạn BA. Còn người đàn ông già dường như ngầm thích thú với sự khuấy động bất chợt trẻ trung. Thỉnh thoảng ông vắng mặt đôi ngày, trước khi đi bê chậu cây để một góc sân nếu trời chưa trở lạnh. Khi trở về xăm xăm mở hộp thư, dù vẫn trống, trừ vài ngày mỗi tháng có phong bì nhà băng và vài hoá đơn điện nước. Những lần như thế, đèn nhà ông tắt sớm, tiếng dương cầm chưa thả hết một mouvement đã ngưng bặt, ông ta có vẻ mỏi mệt. Chẳng hiểu ông đi đâu và có xa không. Hình như dáng ông càng ngày càng còm, mớ tóc bạc chừng dài hơn vào lúc đông về, tiệp trùng với màu sân đầy tuyết phủ. Vào những ngày không gian mịt mù trắng xóa này, anh chàng ý thở dài, những món ăn nức thơm gia vị miền nam như đông đặc, lạc lõng. Sáng chiều anh quấn tạp-dề, chùm mũ len, cầm xẻng hốt những đống tuyết trước cửa ra vào cho mỗi nhà chúng tôi, miệng lẩm nhẩm than tiếc cái nắng vàng tươi trên màu biển xanh ngắt. Có cả những câu lầm bầm tự trách, Sao đã về rồi lại đi. Ông già nằm im trong căn gác. Chỉ có tôi và gã thanh niên vẫn lục xục vào ra vùng sân khuất, cùng nhịp độ.

Ðã một dạo, vắng mái tóc vàng dầy của chàng Beaux Arts sau hai ô cửa kính bao giờ cũng được anh ta chùi sạch bóng, càng trong suốt hơn trên bờ tường rêu đã bám xanh. Thời gian ấy, khi vệt sáng cuối ngày thu gọn lại chỉ còn đốm nhỏ thoáng trên ngọn bạch dương, ông già đã bắt đầu mở nhạc, như thể ông không chịu được khoảng trống âm thanh của người thanh niên để lại. Nhưng ít lâu sau chàng ta lại về, trời bắt đầu mùa xuân, khoảnh sân sáng lên với nắng ngập ngừng. Tên bạn trai gần nhất của BA từng đến và ở lại hai ba hôm bây giờ ghé vội rồi đi, cuối cùng vắng biệt. Không hiểu sao anh ta tự nhiên đổi lấy khúc blues chờn vờn mòn mỏi. Từ cửa sổ nhìn xuống, tôi thấy anh chàng bước nhẹ tênh qua vòm cổng buổi chiều, dáng trở nên phật phờ, xiêu ngã. Chẳng còn gọn ghẽ trong chiếc blouson, tấm áo mưa rộng chùm người, dù trời nắng tạnh cổ áo vẫn kéo cao. Một hôm giữa trưa tôi về, ông già còn đứng trong sân, húng hắng ho.

- Dạo này tắt đèn sớm, cô không khỏe.

Tôi loay hoay tìm chìa khoá, lắc đầu:

- Tôi lười.

- Hết hứng sao?

Tự nhiên tôi ngước về căn phòng người thanh niên, ông già cũng ngửng theo. Hai ô kính vốn trong veo bây giờ loằn ngoằn những vệt mưa khô, hiện rõ dưới ánh mặt trời. Rồi chúng tôi quay lại nhìn nhau.

- Tôi chán, những nhân vật của tôi, chúng không cho tôi nói hết lời, chúng chẳng chịu nhìn ra điều tôi thấy.

Ông già lại ho vài tiếng, đưa tay đỡ hộ tôi mấy cuốn báo vừa rút từ thùng thư, rồi đứng sau lưng chờ tôi mở cửa. Ðột nhiên ông nói, như một mình:

-‘‘Ta thấy, ta thấy. Ngươi thấy gì ? Ta chẳng thấy. Có màu gì ? Ta không thấy. Vấn đề không phải điều gì nhìn thấy được, mà là tự nhìn ra. Cái không màu...Sự trong suốt’’.

Tôi ngẩn ngơ, chiếc chìa dừng trong ổ khóa. Anh chàng Sorrento bỗng từ trong nhà chạy tuôn ra sân cỏ, ngồi bẹp trên mảng gạch, gục mặt giữa hai đầu gối, nấc lên. - Ô, Mamma.
Trưa ấy anh ta khóc, thì đến đêm trời đổ cơn mưa. Nước xối xả trên mái ngói, chảy như sông, cơ hồ làm lún sâu mảnh sân hơn nữa. Hiệu ăn Sorrento đóng cửa, người chủ đang sửa soạn lên đường. Tôi nhìn qua hai bên hàng xóm, những ánh đèn từ đó hắt ra, nhòe nhòe sau màn mưa dầy đặc. Ông già không vặn nhạc đêm nay. Tôi nằm cong người giữa đống gối, nhẩm tính quãng đường dài từ đây đến ngôi làng ven bờ Tyrrhénienne bên ý. Không biết anh ta có về kịp đám tang. Vẫn chập chờn trước mắt tấm ảnh người đàn bà mập mạp, quấn khăn quàng rực rỡ. Chỉ thoáng qua, tôi đã thấy cặp mắt sâu nhìn thẳng như muốn nói biết bao điều. Chiều ấy tôi mới được biết, chính người đàn bà này đã bắt con trai út của mình cưu mang những đứa trẻ học nghề. Thằng anh của anh chàng Sorrento đã chết trong một cuộc đụng độ băng đảng ở Naples khi vừa hai mươi tuổi. Sáng sớm hôm sau, tôi ngỡ ngàng nhìn bao nhiêu cành lá và những nụ hoa vừa chớm nở từ bên kia khu vườn đã tơi tả bay rụng trên vùng sân sũng nước. Ông già dậy sớm đang lục đục quét gom trước cửa nhà. Người đàn ông trung niên mạnh mẽ, rộng lòng để giúp chúng tôi những lúc ngổn ngang đã đi rồi, trong đêm. Trước đây mỗi lần có biến cố, tên BA cũng xuống đảm đương công việc một phần, bây giờ im ỉm. Tôi xắn quần, xách chậu và chổi bì bõm, lòng nao nao khó tả.

Mấy hôm sau đó mây nặng nề trên sân gạch xám. Tôi không làm được gì hơn, đi về tự nhiên hụt hẫng. Thiếu giọng ồ ồ của Sorrento đã đành, gã thanh niên ít xuống lầu, nhạc anh ta có bật lên cũng chập chờn, đứt quãng. Còn ông già như sợ tiếng động làm phiền chàng hàng xóm đối diện. Tối tối vẫn cùng bản hoà âm nhưng tiếng phát ra nho nhỏ, tưởng chừng hoà tan, lẩn quẩn với lá đêm. Tất cả như thoi thóp trong không gian bất ngờ hẹp hẳn lại. Có ông y tá ngày hai lần leo lên căn gác chàng thanh niên, nhưng đi qua sân cỏ quá vội vàng. Tôi và ông già cùng nhau lên thăm BA, vẫn đấy nụ cười có nét gì dịu như con gái, nhưng má trũng sâu và làn da bệch hẳn đi vì thiếu nắng. Lúc trở xuống, dưới chân cầu thang nhà anh ta, ông già cúi nhặt một hột ô-liu đen khô quắt, để trong lòng bàn tay rồi nắm lại thật chặt. Ngoài công việc ra, lúc ở nhà, tôi hay đứng gần cửa sổ hơn, nhưng để nhìn mà không thấy như ông già đã lẩm nhẩm lời J. A. Valente, văn hào Tây Ban Nha, hôm nào. Cho đến một hôm tôi đang bực bội gạch bỏ bôi xóa trên những trang giấy, chợt nghe tiếng chân nhẹ nhưng khác thường và ngập ngừng bước trong sân. Vội đứng dậy ngó xuống, ông già bên trái cũng đang vén bức màn chim phượng. Một cô gái mặc áo mưa xám, đeo cặp sách đỏ đang ngước nhìn những khung cửa bờ tường bao quanh, cô cầm một tờ giấy nhỏ. Mái tóc đen tròn quay vòng một lượt rồi dừng lại trên hộp thư của BA. Nắng ngày vẫn còn đủ để tôi nhận ra đôi mắt to và hai gò má thật hồng trên làn da mặt mỏng. Cô gái lên căn gác đó một chốc rồi xuống cùng ông y tá lầm lì. Hai người trao đổi với nhau vài câu trước khi ra khỏi vòm cổng.

Buổi chiều thật im lặng, màu ẩm ướt đọng trên mái ngói và ngấm sâu vào những viên gạch trên mảnh tường ngăn chia không gian còn sống bên này và thế giới cổ độ bên kia. Tôi cảm thấy ngạt thở từ mấy hôm nên mở tung cửa sổ, các con chim chẳng biết đã đi đâu bỏ những lùm cây lá bạc đứng yên trong bầu không khí chùng hẳn xuống. Ông già trượt chân trên sân gạch trơn ướt tối hôm qua. Tôi đã bước sang nhà ông sáng nay, cái chân băng bột duỗi ngang trên nệm ghế. Mới thoáng đó thôi mà bất chợt tôi thấy ông cỗi xưa như sắp đi hết năm tháng của đời người. Lần đầu tiên, ông đưa bàn tay có những ngón dài khô nắm nhẹ tay tôi lắc lắc. Trên chiếc bàn con cạnh chậu cây xanh, một trang thư bỏ dở, nét chữ khá to, mới ghi được mấy dòng ngày tháng. Tôi không thể dấu vẻ ngạc nhiên khi thấy một xấp phong bì và giấy viết thư nằm ngay ngắn. Ông già kéo cao tấm chăn đắp lại nửa người, chậm rãi:

- Tôi có thằng con trai cỡ BA đi Martinique không về, tôi vẫn viết thư dù nó ít trả lời.

Rồi chắc miệng tiếp:

- Kệ, như vậy tôi đã giữ lời hứa với mẹ nó khi bà ấy qua đời.

Ông lại tìm tay tôi, vỗ vỗ:

- Người ta thường nói, nếu những củ hành năm nay mọc nhiều lớp thì mùa đông tới này lạnh lắm, cẩn thận.

Tôi rời ông, bước lại khung cửa, tốc những con chim phượng sang hai bên, nhìn thẳng trước mặt. Hai vũng tối âm u hút mắt giữa ban ngày làm tôi choáng người, đưa tay ôm lấy bờ vai. Mãi sau tôi lại có cảm tưởng trước hai ô cửa đối diện ấy có những bóng lá lung linh, và bên kia chúng là dáng dấp gầy thanh của chàng BA thấp thoáng. Rồi mắt chợt thấy ánh nắng mong manh nghiêng trên mảnh sân, đang sáng lên màu áo mưa bạc thủy ngân của cô sinh viên y khoa đã đến chăm sóc BA vào những tuần lễ sau này. Ba tối mỗi tuần, cô gái nhỏ đạp xe thẳng vào sân ngay lúc bản concerto vỡ bờ như sóng lũ, tựa hồ nâng đỡ người đàn ông già ngày càng chìm xuống trong cuộc sống đi về đơn độc. Cô dựa chiếc xe đạp vào bờ tường, dưới hộp thư BA, rồi ngước đầu lên về phiá phát ra âm thanh đang rộn ràng lay động những con chim phượng dưới ánh đèn. Tôi có cảm giác cô gái ưỡn vai, hít thở, mở toang buồng ngực để lắng nghe một chốc rồi mới mở cửa bước lên cầu thang. Thỉnh thoảng tôi thấy cô đứng sau khung kính không còn trong vắt nữa, như thể muốn thu giữ nốt những hợp âm tròn đầy trước khi hạ đèn. Từ đó, còn mỗi bóng đèn chong thắp nhỏ cho đến sớm hôm sau, khi cô ra về nhường chỗ cho người y tá. Nhưng trong đêm, vẳng tiếng chàng thanh niên la hét, tôi nhỏm dậy chạy ra cửa sổ. Ðèn bên ấy bừng sáng lên, bóng cô gái di động, một lát sau tất cả mới trở về với thinh lặng của đêm. Và lá trong gió lại tiếp tục rì rào. Tôi trở vào ngồi trước bàn viết, những trang bản thảo đầy chữ mà trống rỗng. Quanh quẩn trong không gian hạn hẹp chỉ có tôi cùng ba người đàn ông ấy, nhưng mỗi cá nhân rã rời như những nốt nhạc riêng lẻ lệch lạc, chẳng kết nổi thành một hợp âm nào. Những cảnh sống đơn điệu âm thầm trượt qua nhau. Phải đợi đến những đêm khuya xao động như thế này cùng sự xuất hiện của cô sinh viên trẻ trung đó, với tấm áo sáng bạc và cặp sách đỏ thắm, mới có được vết màu tươi trên bức tranh đời xám ngắt. Nhiều buổi sớm ông già nhẹ nhàng giữ cô gái lại, hất cái nhìn về căn gác BA, gương mặt hao đi sau một đêm thiếu ngủ của cô tỏ nét ái ngại. Nhưng cuối cùng, bao giờ cô cũng mở nụ cười còn đầy chất hồn nhiên để chào ông và vội vã đến trường.

Khoác chiếc áo mưa vào người, tôi xuống cầu thang. Những bực gỗ cựa mình đáp trả từng bước một, chậm, lẻ. Dừng lại ở ngưỡng cửa, trên bệ đá gần đấy còn rổ vỏ chanh của anh Sorrento. Những miếng vỏ đã gọt vòng vàng thơm để đệm hương vị cho nồi thịt bê osso-bucco, bây giờ quăn queo lên màu ẩm mốc. Mấy viên gạch nung anh ta vẫn dùng lót lò nướng pizza ngổn ngang dưới chân tường bên cạnh một hai cái nồi lật úp. Tật bày bừa ra sân của anh Sorrento thường làm ông già càu nhàu, nhưng sau nụ cười đồng lõa với cặp mắt và cái gật đầu lia lịa hứa hẹn, - Si, si, sẽ đâu vào đó, đâu sẽ vào đó, Signor... thì tất cả vẫn nằm nguyên chỗ cũ. Cũng may không có thức ăn gì bày hớ hênh để quyến rũ bọn mèo đêm từ vườn trên đổ xuống. Qua khung kính đục mờ của nhà bếp, ẩn hiện hình thù các vật dụng nấu ăn và chập chờn ánh kim khí sắc lạnh của muôi dao muỗng nĩa chung quanh cái lò nướng mở toang đen mò, rỗng toác. Tôi rùng mình, kéo sát hai vạt áo. Liệu anh ta có về đốt nóng không khí ẩm ướt này. Biết đâu người đàn ông ấy sẽ ở lại với những màu tường vách đá vàng cam rực ối trong cơn nắng miền nam hào phóng. Chẳng hiểu căn nhà bà mẹ anh ta nằm lẩn khuất giữa vùng đất trồng chanh xanh ngắt, tiếp ráp với bãi cát thênh thang nhoài vào biển. Hay nó là một trong những ô nhà ngang hẹp cao lênh khênh lưng chừng trên vách núi. Có những cành bông giấy đỏ thắm lượn leo từ chân lên đến đỉnh, bám níu vào thành vịn của cái cầu thang vòng vèo bao nhiêu khúc đưa xuống tận chân sóng đập rì rào. Tôi đã từng qua đó như người khách du lịch vô tư nhìn ngắm cảnh lạ, không nghe ra tiếng cười lẫn nhìn thấy vết nám trong tâm hồn người bản xứ tựa anh ta.

Người phát thư vừa dắt xe vào giữa khuôn sân trống, tay khua khua tấm bưu ảnh đến từ Sorrento, vui mừng ra mặt. Anh hiệu ăn nắn nót viết tên ba người theo thứ tự, ông già, tôi, rồi chàng BA. Mấy hàng chung bảo sẽ về, và một dòng ân cần nhắn riêng BA hãy đợi. Cuối chiều, tôi bước lên đưa cho BA tấm thiệp, ở đầu cầu thang chợt đụng ông y tá lầm lì tuôn từ trên xuống, suýt đâm sầm vào nhau. Ông ta chạy vội ra cổng rồi lại chạy vào cùng với tiếng còi xe cứu thương rú lên như bay qua mái nhà rồi từ trên không chụp xuống. Tôi nép vào bờ tường, tất cả quay mòng trước mắt. Chẳng bao lâu lại thêm vòng xe đạp lăn tròn của cô gái lọt qua vòm cổng. Cô chợt khựng lại, vội vàng nhảy xuống, ngơ ngác trước cảnh tượng đang náo động trên sân cỏ này, buông ngang chiếc xe đạp đổ nhào xuống đất. Chưa ai kịp phản ứng, cô bé đã chạy bổ tới cạnh chiếc băng-ca, hai người đàn ông mặc áo blouse trắng vội vàng thu vén nốt những dụng cụ cứu cấp rồi khiêng đi. Ông già cố bước nhanh choàng ôm cô bé lại. Tôi lúp húp chạy theo ra tới ngoài, đèn xe đèn đường phố phường nhòe sáng. Rồi tiếng xe cứu thương bất ngờ xé rách không gian. Bước quay vào, trong góc sân gần nhập nhoà bóng tối, cô gái gục trên vai người đàn ông tóc trắng. Có tia sáng yếu ớt từ ngọn đèn treo đầu bờ tường đá ong đang rọi xuống, rưng rưng trên màu cặp sách đỏ nằm giữa vuông gạch xám, kẻ viền bởi cỏ xanh.