Những Sáng tác của Tác giả Phan Thị Trọng Tuyến

Những đời trăng mới lớn
Tác giả: Phan Thị Trọng Tuyến
Những đời trăng mới lớn*

Tôi nhìn thấy cậu trao quyển vở cho anh Tài, bạn cậu, mặt cậu hân hoan, thích thú, đôi mắt nhìn xéo chỉ còn phân nửa, cử chỉ lén lút, đầy vẻ gian tà.
Cái nét gian tà và lén lút đó cậu truyền qua cả chị Sang, bà chị họ tôi. Chị ở nhà quê lên chơi. Chị trạc tuổi cậu và sắp thi trung học đệ nhất cấp như cậu. Chị trắng tươi, mặt trái soan, cầm nhọn, miệng cười như bông bụp, bông khế, đôi mắt hai mí nâu, vừa to trong vừa long lanh, tóc uốn quăn dài đến ngang lưng, thân hình chị tròn lẵn, ngực eo chỉ thua Thẩm Thúy Hằng chút xíu. Chị là người đẹp vô danh, đáng được ca ngợi, như bài học thuộc lòng "anh hùng vô danh" của lớp nhất, bởi chẳng ai mời chị làm tài tử điện ảnh, cải lương. Chị hiền thục, dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ. Thần tượng không ngai của tôi ngày đó. Bí quyết làm đẹp của chị ? Mỗi sáng rửa mặt bằng nước dừa xiêm! Và tắm mỗi tuần một lần cũng với nước dừa xiêm. Tôi kêu lên :
- Uổng quá trời, rửa mặt thôi, được không? Ở Sài gòn dừa đâu em mua cho đủ số ? Má sức mấy chịu cho tiền?
- Em muốn có bộ mặt như Bạch Tuyết với một thân hình như ...chà và ? Đi Cấp em mặc áo tắm hay pyjama xuống biển?.
Chị nghiêm nghị ban bố bài thuốc gia truyền, cương quyết, khẳng định trên các con số, tôi tin liền song dai dẳng chẳng kém :
- Tại sao phải tắm nước dừa trong vòng một năm lận ? Nước dừa...khô xài đỡ được không?.
Vì tới mùa bán dừa khô, ông ngoại chỉ bán phần "cơm dừa" phơi khô, còn phần bên ngoài, từ vỏ dừa cho tới gáo dừa, mộng dừa, thứ nào cũng được giữ lại dùng trong nhà : củi chụm, chén múc nước, riêng nước dừa bị bỏ chảy tràn mặt đất. Nếu tôi chịu khó xách gáo ra hứng, may ra đủ tắm mấy ngày liền trong mùa bẻ dừa khô. Mấy ngày thôi, cũng đủ.
- Không được đâu cưng à? Làm như vậy da em sẽ chỗ trắng chỗ đen như con cắc kè bông!
Tôi đã thấy cắc kè bông cho nên... thôi, thà đen thui mà đen cho đều. Tuy vậy, trong nhiều năm tôi vẫn mơ tưởng được tắm nước dừa xiêm, và hy vọng rằng dù chỉ một lần cũng đủ trắng da dài tóc. Về quê, ở trong vườn không gặp chị, nên quên mất điều ước, thấy dừa, tôi chỉ nghĩ đến chuyện ăn uống.
Dường như một đôi lần, tôi cũng toan tính "cãi mệnh trời".
Thấy tôi cầm gáo lăm le, ngoại nói :
- Nước dừa khô lạt nhách hè con ơi !
Các cậu, dì, ông dượng, ông chú, ông anh cười tràn rồi sung sướng hè nhau kêu ngoại dẫn tôi ngày mơi, ngày mốt, ngày kia hay ngày kìa, ghé qua vườn họ để nếm nước dừa xiêm vườn nhà họ. Ai cũng( khoe) có vài cây dừa thượng hạng nước ngọt, cơm dừa dày mà mềm nạo, ngon không chỗ chê. Con nhỏ mê nước dừa dữ a ! Tại vì ở Sè Gòn uống toàn nước phông tên, tội nghiệp !. Bao nhiêu chăm sóc dịu mềm khiến gáo (chờ nước dừa khô) lóng cóng trong tay tôi.
- Thôi, cứ uống thử đi cưng, cho biết !
Thì tôi chỉ chờ có bấy nhiêu ! Nhưng nước dừa khô hơn nước mưa một chút tẻo, thua xa nước dừa xiêm, đôi lúc còn đậm mùi xà bông, như cái mộng dừa trắng xốp tuy ngon ngọt hơn. Sau một hai lần lén xách gáo nước dừa đem ra chỗ vắng vốc rửa mặt, nước dừa xiêm hay khô, da mặt tôi dính dáp, rít nhựa khó chịu, ngứa ngáy. Chợt nhớ đến lời chú thích nghiêm trang của chị :Ấy là chưa kể "gặp dừa bị trăng ăn , da có thể bị cùi lỡ hay mụn nhọt ". Hãi hùng quá, tôi liệng gáo, chạy nhào ra sàn nước, kì cọ chà xát tẩy rửa. Làm cạn gần hết nửa lu nước mưa của ngoại mà vẫn còn cái cảm giác rờn rợn trên mặt, nghe như lũ mụn rủ nhau nẫy chồi trên mặt. Phải chi hồi xưa má tôi biết được bí quyết này, thay vì xát xà bông cô Ba, chỉ cần nắm cẳng tôi mà nhúng vài lần vào (thau) nước (dừa) như má ông thần Achille, chỉ đen một chút ở nhượng chân, ăn nhằm chi đâu !
Rồi từ từ lớn khôn hơn một chút, nhìn chị nói chuyện (thỏ thẻ), (khoan thai) ủi quần áo hay gội đầu, (uyển chuyển) bước xuống thang lầu, (óng ả) chải tóc...tôi có linh cảm rằng ngoài nước dừa xiêm, chị hẳn còn những món gia truyền khác, tôi tự nhủ ráng lớn bằng chị bây giờ, theo mè nheo năn nỉ, biết đâu chị sẽ tiết lộ thêm...
*
Chị không hẳn là con gái nhà quê vì dì Năm Ngó, má chị đã dọn nhà ra thị xã Bến Tre ngay sau khi dượng Năm chết, dì thở dài xác định thời điểm :" hồi kháng chiến chín năm". Chị đi học trường nữ trung học thị xã, mặc áo dài trắng đồng phục cũng như mọi nữ sinh trường trung học công lập ở Sài Gòn. Được nghỉ lễ thỉnh thoảng chị đi xe đò lên nhà tôi ở vài bữa, đi mua sắm, dạo phố, xem xi nê, không ai cho rằng chị là con gái nhà quê. Những hôm đó, bạn bè trong xóm của cậu tôi ghé chơi thường và lâu hơn. Chị nói cười duyên dáng, rực rỡ, lúc kín đáo thẹn thùng cũng như lúc hoạt bát.
Nhà tôi thành chật chội, ồn ào rần rần con nít (bọn tôi với bạn bè), choai choai (cậu tôi và đồng đảng). Nhất là buổi chiều, tiếng xe gắn máy "gơ ben","xách", "mô bi lết" nổ vang xóm, khói mịt mù đường hẻm, con nít hàng xóm bu đen ngắm nghía, ngưỡng mộ những anh hùng thời đại mới, tóc chải ổ gà, bi dăng tin bóng lộn: ai không giống James Dean cũng hao hao Elvis Presley hoặc Johnny Halliday.
Từ lúc xe nổ máy đến khi xe chạy tôi tính ra đến hàng thế kỷ , vì các người đẹp bận chải gở trang điểm, hò ới rủ rê nhau, có khi chị hoặc cậu sai tôi chạy vào xóm trong kêu réo người trể hẹn. Vì lắm lúc cậu tôi hứng chí, sẵn khán giả, người đẹp, sẵn không khí (thời chưa chiến** ), cậu ôm đàn ghi ta leo lên giường. Cửa cái cửa sổ không đóng đã đành, cậu còn kêu tôi mở luôn cửa cổng. Từ ngoài người ta có thể nhìn suốt vào nhà : chuồng chim, hồ cá, bàn ghế, giường tủ, đi quăng, và chỗ làm việc ban ngày của gia đình : đó là một khoảng sân gạch rộng chất đầy gỗ ván và những dụng cụ nghề mộc như cưa, búa, bàn bào, thước sắt, thùng đinh, thùng dầu, các lon cọ, sơn, vẹc ni...Trong cùng là sàn nước, nghĩa là nhà bếp, nhà tắm với những thứ lu chứa nước sông (sông cầu Bông, dĩ nhiên vẫn của thời chưa chiến- chưa chiến của lũ nhỏ chúng tôi-, sạch trơn, chiều chiều ai cũng có thể ra bờ sông hứng gió rồi nhào xuống tắm lội ), nước "máy" ( của sông Đồng Nai, trong khe, nhưng má tôi chê có mùi...hóa học) và hồ nước mưa. Nhiều thứ nước vì má tôi phân biệt loại để rửa chân, để ngâm cây, loại tắm giặt, loại nấu nướng, loại uống, mà thứ nào tôi cũng thấy...lăng quăng tung tăng đùa giỡn !
Cậu muốn thiên hạ chiêm ngưỡng chim, cá và những triễn vọng văn nghệ vô danh chứ không phải để quảng cáo mớ lu hay đồ nghề gia đình.
Buổi chiều cơm nước xong ba má tôi lên nhà trên tiếp tục làm việc : tiếp khách tới đặt hàng, lãnh hàng, vẽ kiểu bàn ghế, tủ v...v..Tầng dưới trở thành chốn hội họp của giai nhân, tài tử và quỷ sứ.
Hậu trường (phông ?) xong xuôi chỉ còn chờ tài tử biểu diễn. Cậu tôi hớn hở cắm dây điện vô cây đàn tối tân (nhà có sẵn cây ghi ta và và cây măng đô lin của thờI ba tôi kháng chiến chốn bưng biền, nhưng cậu chê đồ "cổ", cậu sắm cây ghi ta điện thời thượng, dẹp lép, màu mè, thiếu điện thì tiếng kêu điếc đặc, lúng búng lùng bùng như bị ai bóp cổ!).
Xong đâu đó, cậu đứng trên giường-sân-khấu, đầu đội nóc mùng, hai con mắt hớn hở, cậu hắng giọng, búng vài tiếng tưng tưng phừng phừng. Con nít tràn luôn vào nhà, ngồi xuống ghế, xuống đất, trèo lên đi quăng, lên giường, đeo tay vịn cầu thang, chen nhau ngồi trên các nấc thang. Im lặng, thì thào, huých cùi chỏ, kéo tóc, kéo tai nhau rồi há hốc mồm chờ đợi.
Cậu và bạn bè thay phiên nhau lên "sân khấu", trình bày đủ loại ca nhạc cổ kim Ta Tàu Tây, Nhựt. Xong lắc tuýt ờ ghen, I' m sorry...so sorry
Qua "đường về thôn xưa ta hát khúc hoan ca " tới
...cha...cha đến đây con thật là mừng vui....uạ, mẹ, sao mẹ khóc....Ý Nhi ơi ra vườn bắt bướm đi con " hay
kìa một nàng Trung Hoa, răng trắng tinh như là ngà......
Có anh tốt giọng như Anh Ngọc, Duy Khánh, Hữu Phứơc, có anh đỏ mặt tía tai, gân cổ nổi lên bằng sợi dây lòi tói mà âm thanh ra một cách khó nhọc, có anh ồ ồ ông ổng ào ào leo tràn ra ngoài khuôn nhạc, rượt nốt nhạc chạy trối chết. Ai cũng hát với tấm lòng thành và trái tim nóng hổi. Nhưng con nít, chẳng cần phải đắn đo tình lý, cứ thẳng cánh phê bình như lúc xem tuyển lựa ca sĩ trên đài phát thanh mỗi chúa nhật, hay xem phim cao bồi rượt giết dân da đỏ, chúng tôi vỗ tay rần rần, reo hò tở mở, dậm chân huýt gió, yêu cầu, la lối... xuống! xuống! Bis ! bis !...
Chỉ khi những mầm non (đầy nhiệt tình) văn nghệ dẹp đàn, kéo nhau leo lên ngựa sắt ra phố mua sắm giải trí, con nít mới tan hàng...
*
Ấy vậy mà mấy hôm nay mọi chương trình bình thường yên ắng một cách khả nghi, "thiên hạ" tụ họp kín đáo, đông đảo nhưng không ồn ào, không mời gọi khán thính giả. Chị Sang dường như không còn thích thú khuyên lơn, thuyết phục hay đe dọa khi tôi theo lẳng nhẳng cò kè về số ngày và lượng nước dừa phải có. Cậu tôi cũng đìềm đạm dễ ghét. Dĩ nhiên, nghề của cậu là luôn giữ bí mật cho tới phút chót để đánh lạc hướng bọn con nít chúng tôi, chẳng đứa nào kịp vòi vĩnh, kịp năn nỉ khóc lóc. Cho nên tôi quyết tâm lẩn quẩn loanh quanh, mưu toan phá tan mọi kế hoạch từ trong trứng nước, tuy biết chắc mười mươi rằng cậu sẽ thắng, như mọi lần.
Chị Sang cười chúm chím, anh Tài gãi gãi mái tóc chơm bơm, anh Ngộ ráng kềm giọng vịt đực để chỉ cười khục khục trong cổ họng...ô, tất cả mọi người đều có một cái gì chung khiến họ âm thầm thú vị, khoái chí .
Con Mậu, em anh Tài bàn với tôi, phải báo động cho con Huệ cùng để ý và theo dõi. Bộ ba chưa biết phải bắt đầu ra sao thì một buổi tối, Mậu kêu tôi ra ngoài nói nhỏ : mọi bí mật nằm trong quyển vở. Tao thấy anh hai tao trốn trong cầu tiêu để đọc ..
Anh nó vừa đem trả quyển vở cho cậu tôi. Tối đó, như thường lệ bọn con nít chúng tôi bị luà lên lầu ngủ sớm. Chờ yên một lúc, tôi lén bò xuống nhà. Tôi thấy chị Sang đang ngồi hí hoáy viết. Vờ đi tìm nước uống tôi quẹo cua, xà đến lé mắt nhìn, chưa kịp thấy gì cậu tôi đã chạy a lại chen giữa tôi và chị. Chị bật cười lớn vừa đóng ập hai quyển vở, một quyển màu xanh cũ sờn có hình ông đạp xich lô máy, quyển kia màu đỏ, mới toanh.
Rõ ràng chị đang chép cái gì từ quyển xanh sang quyển đỏ. Không thể là tập thơ ca, không thể là nhật ký. Mấy món này tôi đã xem qua rồi. Tập thơ ca cậu chép những bài thơ, bài ca thịnh hành, có dán hình ca sĩ, chính tay cậu minh họa núi non hoa lá, sau này bỏ học chữ để học đàn và đi làm ra tiền rủng rỉnh cậu mới mua những bản nhạc kẻ khuôn, ghi nốt, lời, tên tác giả với tranh bià của họa sĩ Duy Liêm. Còn tập nhật kí đời cậu, bìa đen cứng, chữ mạ vàng, cậu siêng năng và đều đặn ghi chép. Khi viết, bàn tay trái khum khum che mắt thế gian. Sợ người ta cóp ý hay biết được ..tim đen của mình. Cái món này đố đứa nào xin được cậu cho dòm một cái!. Nhưng một lần, đang nhăn nhó cắn bút tìm chữ hay hồi tưởng dĩ vảng, bị Tào Tháo chợt rượt, cậu chỉ kịp ném bút, chạy ào vào cầu tiêu, tôi lợi dụng tình thế, nhào lại ghé mắt xem trộm "lịch sử đời ta" đang nằm mở ra, phơi lòng chi chít những tâm sự.
Chữ cậu nhỏ, góc cạnh mà đều đặn, rắn rỏi mà hiền lành đủ nét, ngay ngắn.
"Hôm .nay lãnh lương ( con số và dấu đồng đô la). Ra Hàm Nghi mua đồ ăn cho cá, hết:...(con số). Đi coi Samson et Dalila, Victor Mature hùng dũng ác luôn, về ghé thạch chè Hiển Khánh ăn hai ly đậu xanh lỏng, ngon, hết thảy:..(con số). Ngon nhưng mắc quá. Trong quảng cáo phim kỳ tới , có Brigitte Bardot, mình phải rủ Tài đi coi. B.B và Marilyn Monroe là hai người con gái đẹp nhất thế giới".
Kết luận cho hai mươi bốn giờ trong đời cậu:" tuy là ngày lãnh lương, nhưng xài như vậy hơi nhiều đó nghen : phải bớt bớt xi nê, đại nhạc hộI, lo để dành tiền mai mốt mua đồng hồ Longines chánh hiệu và bằng vàng. Hàng cuối viết bằng chữ in và có gạch đít với ba dấu chấm than. Cứ hai ba trang câu thần chú đó lại xuất hiện một lần. Mục tiêu đời cậu.
Vậy quyển vở kia là gì ? của ai ? hay ho đến nỗi các cụ phải sao chép và chuyền cho nhau ? Truyện chắc thần kì, ghê rợn, giết chóc dữ dội nên con nít chúng tôi không được xem ?
Chị Sang say sưa chép trong lén lút và ...ngoài ánh mắt tức tối của tôi : tổng cộng chắc hơn ba bốn bản, bởi chị trở về quê với một xấp giấy vở "xích lô máy" nhét kỷ trong các túi xách, bao gói lủ khủ. Cậu tôi vẫn còn cái thái độ rất " mờ ám". Tôi nói với Huệ và Mậu, chỉ còn một cách...
Huệ giao hẹn : đưa tao coi trước nhe. Mậu cũng đòi xem trước. Huệ mê đọc truyện như tôi, học trước tôi một lớp, đậu vào đệ thất trường Trưng Vương năm ngoái, cách đây vài tháng khoe với tôi rằng "tao mới có đường kinh". Hỏi tới tấp nó chỉ tủm tỉm hé lộ từng mảng bí mật, khiến tôi kinh hoàng chờ đợi vì nó hăm "thế nào rồi mày cũng bị à !"."Ừa, chảy máu nhiều lắm""...nhiều là bao nhiêu?..."chảy ồng ộc". "Trời! Mấy tháng lận ? Xùi ! Ba ngày, một tuần thôi ." " Mà chảy chỗ nào? " "Sao mày ngu quá vậy, mà thôi, nói trước làm chi.., mai mốt bị rồi biết !". Huệ là đứa chuyên môn khiến tôi thấy cuộc đời đầy bất trắc. Thí dụ, khi tôi hỏi học lớp đệ thất khó không? Nó trợn mắt :
- Khó lắm, vì sẽ phải học đủ các môn, ngoài các môn bình thường như sử kí, địa lí vv...thêm các môn lạ như sinh ngữ, đại số, trần thuyết, nữ công, gia chánh...mày sẽ phải học với nhiều giáo sư khác nhau, nhiều bà dữ như chằng tinh...Chưa kể một điều : liệu mày có đậu nổi kỳ thi tuyển vào đệ thất không? Thi xong thì biết !
Tương lai nào cũng xa vời vợi, đầy khó khăn, hiểm trở. Tương lai đệ thất và tương lai da trắng như cơm dừa. Dù Mậu hứa : "đưa tao trước, tao mách chuyện đường kinh cho mà biết. Má tao kể hết trơn. Thiệt mà! " Huệ dỗ dành : " tao chỉ chỗ luyện thi đệ thất, bảo đảm đău ngay, rớt trả tiền lại ! "
Sống trong hiện tại, là theo dõi "kẻ gian"( ba đứa tôi vừa đọc xong "vết tay trên trần" của Phạm Cao Củng) là ra tay lấy tài liệu mật ( Z.28 Văn Bình đang gây sóng gió trên các nhật báo) hấp dẫn và dễ dàng, vừa tầm tay..
Tài liệu mật ? Dễ ợt ! Tuy tủ cậu tôi có ống khoá nhưng cậu là vua hay quên khóa, cái gì cậu cũng cất trong tủ nên cứ phải mở ra, đóng vào liền liền, ngày nào cũng trăm lần đóng mở và cỡ chục lần quên cả chìa trong ống khoá. Thành ra cũng như chuyện chim chóc, cá rùa, cậu cấm cản mà lũ tôi đứa nào cũng lắm phen được vuốt ve bồng ẵm những con thú yêu quý của cậu, đứa nào cũng có lần được cậu cho phép đứng trước tủ cậu "coi thôi à nghen, cấm rờ "...
Tủ cậu ngăn nắp và đầy của hay vật lạ, nào là tập tem sưu tầm, tập nhạc, giấy dò -gram xi nê, đại nhạc hội cả chồng, viết máy pa ke còn nằm trong hộp, giàn ná bắn chim có khắc đẽo tên họ, hoa lá, vợt ping pong có chữ kí của (các) tay vợt số một thủ đô, những tập hình tài tử điện ảnh, cải lương v...v...
*
Tôi thó được quyển vở xanh nằn tận dưới mấy lớp quần áo, hí hửng chạy nhào vào buồng tắm. A ha, phen này thì bí mật bị bật mí, bộ ba tụi tôi cũng sẽ chúi vào nhau mà cười, sẽ nhìn nhau nheo mắt...sẽ...sẽ...
Hẳn là truyện phiêu lưu mạo hiểm hay trinh thám gì đây, truyện ngắn tủn chỉ độ mươi trang là cùng. Tựa viết nắn nót bằng ngòi viết lá tre " Bảy đêm khoái lạc". Không nghìn lẻ một đêm, ngắn là phải, nghe cứ như hai mươi ngàn dặm dưới đáy bể hay tám mươi ngày vòng quanh thế giới. Chẳng có tên tác giả, hay là chuyện dịch ?
Nhưng trời hỡi, càng đọc tôi càng thấy...kì cục, truyện chỉ có hai nhân vật là "em với chàng". Hình như là tuần trăng mật sau ngày cưới. Hình như là lời khai của cô dâu. Suốt mấy trang ngắn ngủi, một tuần trăng rùng rợn "em" đớn đau khóc lóc,"em"sung sướng khoái lạc. Đêm thứ nhất rồi đêm thứ hai, thứ ba, đôi nhân vật không ngừng nghĩ quấn lấy nhau, kẻ trên người dưới, có những miêu tả như những màn "võ" kì dị , những thế "đánh" quái gở. Không một câu đối thoại, không một tình tiết gay cấn hồi hộp. Tuần trăng mật là thế a ? Các chuyện tình trắc trở hồi đầu, qua những sóng gió hiểu lầm, mẹ cha cản trở, thường kết thúc bằng cái đám cưới và tuần trăng mật. Và tuần trăng mật có nghĩa như vậy a. Chẳng trăng chẳng mật rặc những chữ nôm na tục tằn thô lỗ chỉ nghe từ các bà bán cá bán thịt ở ngoài chợ Đa Kao hay từ những bà hung dữ nhất xóm khi họ chửi nhau. Tôi đọc một loáng là xong.
...Vừa gớm ghiếc vừa thất vọng tôi chạy vù qua nhà Mậu :
- Chuyện dở ẹc! Và tục lắm, chắc là dành riêng cho tụi con trai. Coi rồi đem qua cho Huệ xem, dặn nó mai trả tao.
Nhưng tôi về chưa được nửa giờ thì bác Sáu, má Mậu, một tay lôi nó xềnh xệch vào nhà tôi, mặt bà trắng bệt, bà thở hổn hển, tay còn lại bà xỉa xói tôi. Nhỏ Mậu không dám nhìn ai, khóc hụ hụ. Tôi chắc cũng xanh mặt vì nhận ra ngay quyển vở chán phèo trong bàn tay đang vung vẩy xỉa xói kia :
- Trời ơi mới bây lớn mà đã bày đặt dụ dỗ con gái tui vào đường dâm đãng!
Tôi hoang mang và cực kì sợ hãi, người cứng đớ ra. Làm sao Z. 29 để rơi tài liệu mật vào tay KGB ? Thôi rồi, đúng rồi, phải chi tôi đưa cho Z.30 Huệ xem trước ! Đúng là chuyện bậy bạ không dành cho con nít, phen này là đòn nặng. Ba tôi từ từ đứng lên, buông viết, bước lại gần má Mău :
- Chị đưa tui coi.
Bà dùng dằng không định đưa như sợ mất tang vật, nhưng rồi cũng đành buông tay, quay sang léo nhéo với má tôi. Lùng bùng hai lỗ tai vì không muốn nghe, nhưng tiếng còn tiếng mất cũng chui được vào đầu tôi :
- Con nít thời nguyên tử mà...hỉ mũi chưa sạch...chuyện tồi bại, tục tĩu...sơ hở là hư cả lũ...thiệt hết sức nói...hết sức nói...hết sức...
Bà than thở vậy chứ vẫn dư nội lực để vừa nói với má tôi, vừa liếc chừng nét mặt của ba tôi lại vừa dằn cánh tay nhỏ của Mậu. Mỗi hết sức nói như vậy, là mỗi lần cái đầu nó va vào hông má nó, vặn lớn tiếng thút thít. Hồi lâu, tôi hơi hoàn hồn, vừa giận lại vừa"khinh" Mậu hèn nhát, chẳng anh hùng tí ti, nếu là tôi ấy à, có mà tra tấn và đổ nước mắm vào mũi, may ra....Không, chưa chắc, sẽ không bao giờ tôi khai...Mậu quên rằng ba đứa đã từng trốn mẹ cha lội sông bắt cá-không tên nào biết bơi-, đã từng bênh nhau hết mình khi phải gây gổ với tụi con gái xóm dưới- . Từng sống chết có nhau mà bây giờ...ôi, con nhỏ dở tệ...
Ba tôi lật lật cuốn tập, hỏi Mậu:
- Của nó đưa cháu mượn à ?
Mậu mếu máo:
- Dạ.. híc híc...mà hổng phải của nó! Híc híc.. Của cậu Tâm...
Thế là lòi thêm tội ăn cắp, cái con Mậu này, bộ nói rứa thì mọi lỗi lầm sẽ chạy qua cậu tao ? nghỉ chơi mày ra !
Thế rồi, thoắt một cái, ba tôi xé tan cuốn tập, trước cái mồm há hốc và ánh mắt dường như tiếc rẻ của bác Sáu.
Ba tôi nói:
- Thứ nhảm nhí đó xé bỏ cho rồi, chị Sáu ! Cháu nó dại, chị đừng chấp, để tui rầy...
Má tôi hét tôi : " đi lấy cây thước bảng rồi nằm xuống chuẩn bị ăn đòn", bà quay qua má con Mậu vừa an ủi(?) vừa hứa hẹn sẽ trừng trị đích đáng kẻ có tội...
*
Ô, nằm dài trên đi quăng, chờ câu hỏi dạo đầu " tội này tính mấy roi?"( và nhẩm trong bụng câu trả lời phổ quát của toàn dân "dạ một roi!")...mà lâu quá không thấy tới, tôi mừng hết lớn, kiểu này chắc có khách tới đặt hàng. Tôi nhỏm dậy ba chân bốn cẳng leo lầu, chui vào giường. Chờ đến mai mọi sự sẽ giảm cường độ, mười roi sẽ hạ xuống còn năm, má tôi sẽ không đủ thì giờ để nhắc nhở :
- Đây là lần thứ...mấy ? Đã dặn không được làm gì để hàng xóm qua mắng vốn, tụi bây là con bất hiếu...v.v..và v.v..
Ngày đó, mỗI lần nghe câu này, tôi rất bất mãn, không hiểu tại sao ba má mình lại "sợ" hàng xóm như vậy. Hôm sau, bản án được giảm khinh đến không ngờ, tôi chỉ bị rầy về tội cả gan lục tủ cậu, không phải ăn cây thước bảng nào hết. Đến tối, ba tôi chỉ nhẹ nhàng hỏi học bài, làm bài chưa, con rửa tay chân, đánh răng đi ngủ !
Cậu tôi cũng hiền hòa thông cảm "dại quá, tao đã nói sách cấm con nít" rồi như thấy chưa đủ cậu hứa thứ bảy sẽ cho tôi theo cậu ra dạo chợ thú Hàm Nghi.
Hình như tôi vừa đặt (giùm? cho ai?) viên đá đầu tiên, hình như tôi vừa bước (giùm? cho ai? tôi? ) cái bước đầu tiên, dễ dàng (??) vô tình và vô tội cho tôi, nhưng quá sức khó khăn cho người lớn. Và những bước kế tiếp thì sao?.
Trong xóm, má con Mậu thù dai, mỗi lần thấy tôi đi ngang nhà, bà hầm hầm ra đứng ngay ngưỡng cửa, đôi tay chống nạnh, hai con mắt trắng dã gườm gườm nhìn tôi, bà sừng sộ như con gà mái xoè cánh bảo vệ con, khiến tôi chưa kịp làm diều hâu phải đành cúi đầu rảo bước. Đã hết đâu, bà qua méc sao đó khiến má Huệ cấm Huệ giao du với tôi suốt một thời gian dài. Thời gian đó, tôi bơ vơ đau khổ vì thiếu bạn chơi và thiếu nước dừa để tắm.
Vài hôm sau nữa, má tôi kêu tôi đến trước tủ sách gia đình, chỉ vào ngăn chứa sách học, chậm rãi bảo rằng tôi nên xem, nên "đọc loại sách này để hiểu biết thêm, chỉ coi tiểu thuyết hay truyện Tàu, không đủ" . Đấy là phần sách tôi ngán nhất, cậu tôi bảo"sách người lớn", ba tôi nói "sách học làm người", tụi nhỏ chúng tôi thì nhìn nhau "sách khó tiêu", đám sách còn phẳng phiu đẹp đẽ vì chẳng đứa nào rớ tới. Thỉnh thoảng tôi lôi ra lật lật phất phơ " Thanh niên và thực nghiệp" "Bắp thịt trước đã" "Nghệ thuật nói chuyện trước công chúng".. "English for you". Quyển má tôi soạn ra đặt sát bên ngoài để lưu ý tôi là "Ái tình bửu giám". Đọc được năm phút, tôi đã ngáp dài, hóa ra cuốn này cũng như quyển vở xích lô báo hại kia, tuy chữ dùng bác học(?), thanh tao, mà cớ chi càng đọc tôi càng tối tăm mặt mũi. Bỏ qua luôn cũng không nghe má tôi nói gì.
Viên đá kế có cần thiết ? Bước thứ nhất cũng là bước cuối cùng?
*
Những ngày tháng nối tiếp che lấp lên nhau, mưa nắng, bão lụt, pháo kích, bom mìn, thoắt một cái những gì đã qua dường như chưa bao giờ có mặt, không một trí nhớ cho ngày hôm qua, cho ngày sắp tới, tất cả chỉ cho một hôm nay duy nhất và rối mù những nguy hiểm, có gì đáng kể, có gì không cần thiết, tôi biết được không?
*
...Cậu tôi dẹp đàn, bán xe sachs mua xe honda, và bắt đầu tương tư mọi bóng hồng thấp thoáng qua nhà trên, trong xóm dưới. Bạn bè cậu đi tứ tán, thỉnh thoảng có về thăm nhưng lớp "bụi chinh chiến" ngăn cách họ với cậu, chẳng bên nào hiểu được bên nào tuy tình bạn vẫn còn. Bạn cậu ngổ ngáo, tự tin, chán đời hay kiêu hùng, tận tình sống cái hiện tại giới hạn của mình, cậu tôi dường như không thể lớn, không phải chỉ vì thân xác không thể lớn. Cậu bị ra rìa mà không hay biết đấy thôi. Tạ ơn trời !. Cho nên cậu vẫn giữ tâm hồn của tuổi choai choai. Cậu sống thoải mái, vô tư trong cái hôm nay của cậu. Trong khi tôi cứ lo rằng mợ tương lai của tôi sẽ cứ mãi là giấc mơ. Như đồng hồ Longines chánh hiệu Thụy Sĩ.
Người đẹp sắp đi ngang, cậu biết từ kiếp trước, nhấp nhỏm chẳng yên, chuẩn bị như đón tổng thống đi kinh lý. Hớt tóc xong cậu diện bộ đồ đẹp nhất, tay chống nạnh để mọi người cùng thấy đồng hồ Seiko, rồi cắm cây si tại chỗ, chờ người đẹp. Cậu ngóng từ lúc nàng còn là một chấm nhỏ trên võng mô, từ bên kia đầu cầu Bông đi tới hay từ dưới chợ Chiều đi lên, rồi mở ống nhắm bao trọn người đẹp từ mười lăm mét bên trái, tới năm mét bề ngang nhà, qua mười lăm mét bên phải nhà, vị chi ba mươi lăm mét (?). Khoảng cách cần sử dụng tối đa (?) để đôi mắt đắm đuối của cậu nói lên những lời nói đam mê của con tim. Tín hiệu cậu kêu ò e như xe chữa lửa. Không nàng nào bị bệnh quáng gà hay lãng tai. Cho nên nàng liếc một cái. Có bà rộng lượng-phải tin là rộng lượng-cười mỉm cho một nụ. Cái liếc cái mỉm dài bằng một tích tắc trên hai mươi lăm mét, hơi ít nhưng đủ để cậu hớn hở quay vào, cả ngày làm việc hăng say vừa huýt sáo líu lo, hào phóng với đám cháu, tối ngồi tả nỗi vui vào quyển nhật kí. Cứ thế cho đến ngày "nàng"lên xe hoa theo người khác. Đường tình duyên của cậu dặm chân tại chỗ mà cậu không biết thay đổi sách lược, nhiều khi tôi có cảm tưởng mình còn sốt ruột hơn cả cậu, và vì cậu vẫn là cậu cho nên tôi vẫn tà tà sốt ruột. Tại cậu đã đốt giai đoạn, phải chi cậu chịu khó đọc "đắc nhân tâm"hay "làm sao chinh phục phái yếu" trước. Phần tôi, về sau dù không có dịp đọc lại quyển nọ hay cuốn kia, tôi thấy rõ ràng chuyện ngày ấy tuy đại khái mà có tác động thô bạo, đã in hằn trong trí nhớ, với những ấn tượng và những câu hỏi. Ấn tượng hay chấn thương? Kỉ niệm hay bài học ?
*
Dạo đó, chị Sang chưa kịp thi Trung học, bỏ trường đi lấy chồng. Đám cưới hơi gấp không ai kịp về dự. Tin tức từ quê lên cũng rời rạc, uể oải, chỉ những cái chết bất ngờ của bà con mới bay đến nhà tôi với nhiều chi tiết và nguyên nhân, như một xác định đến từ vô thức, để người còn lại nghe thấy rõ ràng họ đang sống, đang hiện diện. Chỉ biết rằng chị ở nhà mẹ chồng, sinh con năm một. Không biết để khỏa lấp những mất mát hay giản dị hơn, giúp anh ấy được miễn dịch, miễn bị tổng động viên .
Lần về thăm chị trước khi đi xa, tôi thấy chị nằm trên võng ru bé Sáu, vạt áo hở bờ bụng căng phồng trắng hếu. Con bé Hai chạy đi lấy nước mời khách, bé Ba và bé Tư đang níu tóc nhau dành giựt đồ chơi, con bé Năm đứng ôm sợi dây đưa võng, mở đôi mắt to của mẹ nhìn tôi không chớp. Ông chồng chị cười cười : nếu bé Bảy là con trai, anh sẽ "đi cột bả" . Thấy chị lườm, anh sửa lại :"đem thiến tui". Hồi xưa, phải chi chị ngồi chép "Ái tình bửu giám" cùng lúc với " bảy đêm khoái lạc"? Giản dị như một bí quyết làm đẹp ?
Chị vẫn đài các, quyến rũ, nụ cười hiếm hoi nhưng vẫn như hoa nở rộ, nếu chồng chị giữ lời, "đem thiến tui" ngay sau khi chị sinh bé Bảy, chị sẽ còn đẹp tới ngày trăm tuổi. Năm đứa con gái ! Chắc chị phải mua cả một vườn dừa mênh mông!
*
Mậu rớt tú tài một, bỏ ngang đi bán "ba". Mỗi chiều đi làm Mậu dẫn xe honda ra hẻm, hai con mắt tô xanh cúi gầm chỉ nhìn cái bàn đạp và con đường đất đá lởm chởm, đôi môi đỏ son mím chặt, ô, đôi môi y như ngày nào bác Sáu chu chéo mắng mỏ tôi. Màn kịch năm xưa lại thấp thoáng hiện về, dằn vặt, tra khảo. Lỗi của tôi phải không dù hai đứa chẳng còn thân như trước ?
Tôi còn nhớ, hẳn Mậu cũng chưa quên. Ngày ấy bác Sáu có quá đà ? Ngày ấy bác níu tay Mậu dẫn qua đường người lớn ra sao? Bác tiên tri đúng chăng? Nếu không sao Mậu thiếu nét yêu đời? Hay thật ra Mậu chả nhớ gì, chả bị thương tích chi, có cô gái bán ba nào vui cười khi đối diện với chính mình ? Và tôi có yêu đời đâu dù không phải đi bán ba?
Hàng triệu, hàng tỉ người đã sống, đã đầu thai, hoá kiếp, họ "chép bài" ,"trộm vở" ra sao? Có rầy con, nhiếc móc đay nghiến hàng xóm ?
Tạ ơn ba má đã không cho con ăn đòn thuở nọ.

11-93
* Thơ Nguyễn Đức Sơn :
Huyền diệu quá những đời trăng mới lớn
(trong Những linh hồn trẻ)
** Một tựa sách của Đỗ Kh.

Bóng đêm cuối cùng
Tác giả: Phan Thị Trọng Tuyến
Bóng đêm cuối cùng
Tôi giựt mình thức giấc, đôi mắt cay xè, nhức nhối. Tôi nhớ rằng hôm qua mình đã trằn trọc, tủi thân, khóc thầm rất lâu. Ðêm mộng mị, ngẹn ngào đã qua. Buổi sáng bắt đầu tự bao giờ. Quanh tôi vắng vẻ nhưng ở ngoài trại, con đường hẻm đã ồn ào náo nhiệt. Tiếng rao hàng, kêu gọi nhau của người lớn, con nít, kẻ bán người mua. Tiếng chén dĩa, ly tách va chạm nhau, tiếng vò giặt quần áo, tiếng nước chảy… Tôi nhìn ra đầu trại. Quán cà phê của thím Ba Xanh đã có ba bốn người khách ngồi húp cà phê lặng lẽ. Qua lớp vải mùng vàng ố, lấm tấm những vết máu muỗi nâu sẫm, tôi thấy thím ngồi tư lự, một chân co, một chân duỗi gác lên chiếc ghế thấp, một tay để trên đầu gối, tay kia hờ hững đuổi ruồi. Thím chắc đang nghĩ đến đoàn người đã đi hôm qua, chú Ba dẫn đầu.
Hôm qua, người lớn thản nhiên nhưng đám tiểu yêu đầy vẻ nghiêm trang dù tôi biết chắc trong bụng đứa nào cũng hí hửng như được vàng. Mà còn hơn cả vàng nữa kia.Tôi nghe cục nghẹn dâng lên chận cổ. Sao lần nào cũng vậy, người ta vui thì tôi buồn. Má tôi hôm qua đã an ủi thôi con à, số phần của con… Tôi cũng biết nhưng tránh không khỏi những lần gánh hát lưu diễn phương xa là cả đêm sụt sùi giọt dài giọt ngắn. Sự thật thì tôi đã ngẩn ngơ buồn bã từ trước, khi tụi con nít xếp hàng lạy nhoi trước bàn thờ Tổ theo lời chú Ba dặn. Như mọi lần xuất quân khác, người lớn lạy trước rồi tới tụi nhỏ. Tôi phập phồng thổn thức theo từng tiếng cười, từng cử chỉ, ghen tức với sự chen lấn, xô đẩy của chúng. Mặc dù má tôi có nói lần này tụi nó về quê bên phía thím Ba, tiếng là theo đoàn lưu diễn chớ thật ra là nghỉ hè ăn nhờ cơm bên ngoại.
Hừ, có mấy khi tụi nó được đi đông như lần này, thứ làm tì nữ với quân hầu, chỉ được phép nói hai ba tiếng, giỏi lắm như Hai Nhãn thì được ca một câu ngắn, vậy mà cũng lên mặt với kẻ ở lại ! Ði ngang giường tôi, nó giả bộ không thấy tôi đang nhìn nó đăm đăm, chờ nó ngó để lên tiếng hỏi coi nó được phép ca bài gì. Ca thì tôi đâu thua đứa nào. Chú Ba ngồi nghe tôi ca lần nào cũng chắc lưỡi khen hay. Ðiệu gì tôi cũng rành, nhất là mấy điệu vui như Lưu Thủy, Kim Tiền. Ðôi phút rảnh rang, ngoài giờ buôn bán, má tôi bảo tôi ca. Rồi má tôi gõ sanh, ba tôi đệm lục huyền cầm, cậu Năm kéo vĩ cầm phụ họa. Tôi say sưa cất giọng, hát một hồi thấy bà con bu đông nghẹt… Mắc cở nhưng trong bụng rộn ràng làm sao. Mấy chú, bác ; cô dì cứ tiếc tôi không lên sân khấu được. Làm sao các soạn giả Ba (Xanh) Kim, Tư (Công) Danh ( là ba tôi) và (cậu) Năm (Can) Trường đặt được một vở tuồng đặc biệt nào có thể dành được một vai trò cho tôi. Thị nữ ? Aùi thiếp ? Vai nào tôi cũng sẽ gặp khó khăn trừ vai kẻ ăn mày, nhưng không ai nỡ nghĩ đến vai trò này cho tôi. Có một lần thím Năm má con Nhãn ngồi tẩn mẩn dồi phấn, thoa son cho tôi cả buổi. Xong, thím ngó tôi trân trân. Rồi thím hớt ha hớt hải chạy kiếm má tôi, chị Tư ơi, vô đây tui chỉ chị cái này ngộ lắm. Hai bà đứng trước mặt tôi trợn mắt tròn vo :
- Trời đất quỉ thần ơi, chị thấy da nó ăn phấn dễ sợ chưa. Ðẹp y như cô Thanh Nga hồi cổ lãnh giải Thanh Tâm.. ý cha ơi, phải chi con lành lặn…
Thím biết thím lỡ lời thì đã muộn, tôi chạy ra ngoài sàn nước khóc như gió như mưa. Nước mắt rớt xuống những tấm ván mục rã đen thui. Phía dưới sình cũng đen không kém, mặt sình đầy rác rến mới cũ, mùi hôi bốc lên, con nước đang xuống. Một vài cây cột xiêu vẹo không còn chống đỡ được sàn nhà vì đã gãy, giơ cùi chổng chơ, lớp sình bám quanh bắt đầu khô, nứt nẻ… Má tôi vuốt tóc tôi :
- Thôi, đi vô con à, thím nói vậy không phải có ý chê con đâu…
- Con đâu trách thím, đó là sự thật…số kiếp con mà thôi…Cô Thanh Nga lãnh giải Thanh Tâm năm 16 tuổi !
Má thất sắc. Tôi hối hận nhìn lên cầu. Người công an gác cầu đang đi về phía bên kia, tiếng chân kéo bước lẹp xẹp, khói thuốc lá bay uốn éo trước mặt.
- Thôi để má rửa mặt cho rồi ra quán phụ má, lẩn quẩn làm sao lại rớt xuống sông, mắc công má chạy đi mua xà bông thơm như má con Lạc bữa hổm.
Má khiến tôi bật cười, hai hàng nước mắt chưa kịp khô. Bởi vì tôi nhớ rõ hôm đó, con Lạc chột bụng quá, chạy một cái ào ra cầu tiêu. Những tấm ván mục kêu thất thanh dưới gót chân nó. Ngồi chưa được mấy giây thì rắc rắc ùm ùm mấy cái, đôi tấm ván gãy vụn lìa đời, nó té xuống sông một lượt với .. mấy cục phân. Báo hại dì Năm phải nhảy xuống vớt nó lên, dì chửi nó con gái mà đi đứng như tướng cướp và rủa xả mấy tấm ván bất nhơn. Cả trại được một bữa cười no nê. Dượng Năm vớt mấy mảnh ván vụn sắp lớp, tấm trên cùng mang mấy chữ viết nắn nót bằng phấn rất đẹp : nguy hiểm, cấm xài. Cầu tiêu số hai như vậy là được về hưu.
Ba cầu còn lại…chịu đời đắng cay. Mỗi lần con nít ra cầu là người lớn chửi oan mấy tấm ván, căn dặn lũ nó phải dùng phép khinh công, thi hành nghĩa vụ nhanh gọn, có bà lại cằn nhằn trẻ con thời bây giờ ăn ít mà sao ỉa nhiều làm vậy. Từ năm năm nay tôi không còn thấy ai đề nghị bà con hùn tiền thay ván cầu, thay ngói hay làm bất cứ một sửa sang nào cho trại ; nói gì đến dãy cầu tiêu và sàn nước có mái che nằm ngay trên bờ sông và cất thêm dọc theo trại này. Ngày xưa, sông nước còn trong đầy và thông chảy ro ro, ngoại tôi kể rằng người trong trại "sang" lắm, vừa tắm sông vừa bắt cá. Bây giờ tôi lớn lên nó thành Kinh nước đen. Nghe như tuồng xã hội hương xa thời đại. Hỏi cậu Năm. Cậu cười : ừ, một tuồng hay của bạn ba con thời xửa thời xưa. Cái thằng tiên tri số một, mà trù ẻo cũng số dzách.
Từ mấy năm nay, ai lượm được cây gỗ tạp, mẩu nhôm sắt vụn, vỏ bánh xe cao su v…v…chắp vá được chỗ nào hay chỗ đó. Cho trại. Cho cái nhà tắm nhà cầu cổ lổ nhà quê. Thoạt nhìn thì thấy bề thế lành lặn liền lạc nhưng ai ngồi rửa chén, giặt đồ trên cái sàn nước thần sầu quỷ khốc ấy đều có thể biết nước ròng hay nước lớn, phân biệt được rác rến hay thằng chỏng chết trôi. Cho nên khách lai vảng thường trực, có môn bài là mấy bà nột trợ. Múc nước sông hay đi gánh nước phông tên đổ vào hàng lu ngoài mé sông. Giặt giũ, rửa chén, tắm con. Lũ con nít chẳng giấy phép hoặc không lí do chánh đáng là đố được léo hánh ra đó.

*

Ra ngoài cửa trại, tôi ngồi sà xuống bên cạnh má :
- Con coi quán, má ra chợ đi.
Má quay lại, tươi cười :
- Ừ, má đi liền. Con ăn khoai đi, củ này nè, củ bột không đó con, còn nóng má dành riêng cho con. Hễ má về không kịp, nhớ nhắc cô Tư đem đậu tới sớm cho má đãi sạn. Khoai lúc này cũng xấu háy quá, mắc tiền mà bị sâu bị sùng nhiều lắm, phải lựa kỹ mới được.
Má còn nấn ná chải đi chải lại mớ tóc dài của tôi, chẻ đôi, thắt thành hai cái bím to vắt vai. Má nói dịu dàng :
- Con gái má lớn rồi, đã mười tám, nhớ sửa soạn, chải gỡ cho gọn gàng, đẹp đẽ. Lóng rày má thấy con hơi buông thùa…
Má đi rồi, tôi ngồi thờ thẫn, mắt đăm đăm nhìn mấy cái cửa đóng chặt của căn nhà Kha trước mặt. Mọi khi, Kha ngồi học bài, đầu tóc và cái trán lấp ló lên trên khung cửa sổ, hai mắt hấp háy nhìn tôi. Nhà Kha đã bị niêm phong từ bốn tháng nay. Giờ đây gia đình Kha với ba tôi và anh hai tôi chắc là đang ngồi lóng nhóng nơi đất mới để chiều nay gửi tới quê xưa, biết là bao thương nhớ cho vừa…Bốn tháng nay tôi hay bị nhảy mũi. Mỗi lần hắt hơi xong, mở hai con mắt ra, tôi thấy bên kia cửa đầu trại, thím Ba ngưng tay, nheo mắt nhìn tôi :
- Có người nhắc con đó, con gái ! Ai vậy cà ?
Tôi đếm trong bụng : một cái là Kha, hai cái là ba, ba cái là anh Hai.
Má tôi chỉ được tin ba vào tháng vừa qua khi chủ ghe đến đưa bằng cớ để lấy nốt phần tiền còn lại. Hai má con lén dẫn nhau ra chợ kêu hai tô hủ tíu ăn mừng, vô chùa lạy Phật tạ ơn. Chấm dứt âu lo. Bắt đầu hi vọng.
Hồi Kha còn ở đây, buổi chiều anh hay ra ngồi coi hàng với tôi. Ðể hai đứa ngồi thủ thỉ nói chuyện, để anh trừng mắt với những đứa con nít gian ác giả bộ mua đồ trêu chọc tôi. Ðể tôi thấy nắng rực rỡ màu hồng, để tôi không nhìn thấy sự tàn tật của mình, để tôi không nhìn thấy sự nghèo nàn cơ cực của xóm nhỏ. Ðể mùi hôi hám, để sự sống chung lộn lạo của trại này không làm tàn héo con tim mười tám của tôi. Kha thương tôi từ khi hai đứa còn nhỏ xíu. Kha bảo vệ tôi đánh đuổi những đứa dữ tợn theo trêu ghẹo, níu kéo tôi. Kha lượm viết, lượm đũa…mỗi lần má dạy tôi viết, ăn cơm…:
- Này cô bé, bán cho chị hai miếng kẹo lạc, ối giời ngồi trông hàng mà mơ mộng những đâu thế!
Tôi giật mình ngẩng lên, cười gượng. Ðó là chị Ba Kiểu. Mọi khi, tôi giả bộ giẩy nẩy : kẹo em ngọt đường phèn mà chị cứ chê kẹo lạt. Lần này, tôi chỉ mong chị đi cho mau mau, ở đó mà đôi co với chị về đậu nành với đổ tương, mè với vừng, mì với sắn, bắp rang với ngô bung …vân vân, ắt có đường ló đuôi. Tôi gật đầu chào :
- Thưa chị Ba đi chợ !
Chị nựng cằm tôi :
- Có tí việc vào xóm chị ghé thăm em và dì Tư. Hai mẹ con khỏe chứ ? Em chị ngày càng lớn càng xinh.
- Dạ, thưa khỏe. Má em ra chợ…
- Còn dượng Tư với cậu Kim … chắc cũng khỏe hở Ngân ?
Tôi nói nhanh :
- Thì khi em nói khoẻ, nghĩa là khoẻ cả nhà. Chị ăn khoai nha, ngon lắm, thứ khoai bột, khoai trắng vành tím như ngọc má dành riêng cho em đó. Khoai này ở ngoải kêu là gì hả chị Ba ? Dạ thưa, chị lấy bao nhiêu kẹo đậu phọng…
Chị lân la hỏi xa hỏi gần khiến tôi nghi rằng chị đang …nghi nên tôi càng nóng ruột, trả lời cộc lốc. Thất thế, chị cười cười, lắc đầu, móc túi trả tiền, xoa đầu tôi rồi cầm gói khoai, kẹo bước đi như chạy. Nhìn theo dáng chị lạch bạch tất tả, tôi lắc đầu, thở ra một cái ào. Má tôi nói chị tướng khổ. Khi đi, đầu ngực chị ngả chúi về phía trước đòi đi mau hơn hai cái chân gầy. Ðộ rày chị buồn chi mà ăn hàng lia lịa, ngực bụng ngày càng to tròn. Ðầu tóc quăn biếng chải phồng to như một đống râu bắp ngổn ngang tâm sự. Nếu chị cứ tiếp tục đà đó, nghĩa là cứ mải mê bận tâm đến sức khoẻ hàng xóm láng giềng, đến phụ nữ và đạo đức cách mạng, một ngày kia đôi chân chị thế nào cũng phải đầu hàng một sức nặng quá tải.
Chị là vợ anh Ba Kiểu, anh tập kết về trại hồi sau "giải phóng". Anh Ba có chân trong "ban lãnh đạo " của đoàn hát Ðồng Phước này. Lúc ấy, anh chị dọn vào ở ngay trong trại. Ðược vài tháng, đầu xóm có mấy gia đình đi đâu mất biệt, bỏ nhà không, anh chị được chia cho một căn, bèn dọn ra khỏi trại. Bà con thở phào. Tôi dám chắc anh chị cũng nhẹ nhõm.
Hồi mới về "tiếp quản", anh Ba đeo mắt kiếng đen, bận áo sơ mi trắng, đứng trên cầu Bông ngó xuống. Tay anh chống nạnh, kéo lệch "vô tình" một chéo áo, khiến ai cũng dòm thấy cái báng súng lục lấp ló ! Anh công an gác cầu nghiêm mình giơ tay chào. Anh Ba đứng trên cầu hất mặt nhìn xuống trại rất lâu. Mấy bà ngồi… cầu tiêu kêu nho nhỏ mấy bà ngồi giặt đồ, mấy bà cùng ngưng " đi ", ngưng tay, ngó trở lên.
- Ai mà …le quá ta !
- Ýcha, kiếng đen, súng lục…điệu này cán bộ… cỡ bự nghen bà con !
- Ai như chú Ba Kiểu..
- Không lẽ nó, nghe nói chết ở ngoải rồi mà…
- Ðúng rồi mấy bà ơi…cha chả oai phong dữ ha…trại mình phen này nở mặt nở mày với người ta…
Anh bỏ gánh đi tập kết từ hồi ba má tôi chưa gặp nhau, và gánh hát bấy giờ cũng đang làm mưa gió miệt lục tỉnh. Không như bây giờ…
Chị Ba làm ở công ty thiết bị vật tư. Thời gian ban đầu, "đậm tình cá nước", thuận thảo trong ngoài. Mấy năm sau, tôi bắt đầu biết nhận xét thì mối tình thân giữa trại với vợ chồng anh cũng tàn phai theo thời gian và tình trạng của trại.Tình trạng ngày một kiệt quệ, về vật chất lẫn tinh thần.
Cả trại ở mấy chục gia đình. Gánh hát về, trại đông đảo nhộn nhịp, gánh hát đi thì vắng vẻ, chỉ còn lại đào kép già bịnh hoạn hay đã giải nghệ, những bà nội trợ, lũ con nít. Nhộn nhất là vào mùa mưa. Vì nóc dột tứ bề. Trời vừa gầm gừ, mây đen ào ào kéo tới, gió cuốn rác bay vù trên cầu; trại nhốn nháo như có giặc. Những đồ đạc cứu dột : lu hủ, thùng hứng nước được bày ra. Bên ngoài đầy mưa giông sấm sét, ở trong rộn tiếng gọi tiếng cười, tiếng kim khí thùng chậu lanh canh chen với tiếng rú của lũ trẻ, tiếng phàn nàn của người lớn. Trại la liệt những lon nhôm, thùng thiếc, thùng nhựa, nồi niêu. Vậy mà không tránh được lầy lội trong trại sau mỗi trận mưa. Nước đọng vũng từ đầu trại đến cuối trại. Mùa khô thì sân đất đầy sao nắng, mùi sình dưới sông bay lên ngập trại. Những ngày nắng mưa lam lũ đó đựợc quên đi mỗi lần gánh hát trở về nghỉ xả hơi. Trại đông vui, sống động. Không khí thay đổi hẳn, gia đình nào cũng hớn hở vì có người thân về. Rồi tụm năm tụm ba tập tuồng mới, tập ca, tập đờn, gõ phách, gõ mõ, đánh nhịp. Quầo áo, cờ xí, mũ mãng đem ra, mấy bà xúm xít kết nút, đắp mụn vá và giặt giũ ngoài sàn nước. Mấy sào quần áo reo vui, màu mè sáng rỡ dưới nắng. Ai qua lại trên cầu cũng nhìn xuống trầm trồ, nhứt là dân trong xóm. Biết ngay là gánh hát về.
Lúc trước, ba tôi còn chịu khó ngồi vẽ thêm mấy tấm phông cây cảnh, hang động, suối thác chảy qua ghềnh, đền đài, núi non. Bây giờ chỉ chuyện tô lại vài chỗ mờ, dậm màu đôi chỗ vá, chỗ mạng mà ông còn kiếm không ra tiền mua sơn, nhưng má tôi cứ dòm chừng. Hễ thấy ba thờ thẫn buông cọ là má kêu anh Hai tôi : lợi đây má biểu. Má biểu anh Hai khiêng mớ gươm, giáo, mác, thương bằng gỗ ra ngoài sàn nước rồi anh kéo nước sông lên cho ba ngồi cọ rửa. Má thoăn thoắt lượm sạn trong rỗ đậu hoặc cắt bỏ khoai sùng mà không ngừng hỏi han ba. Những ngón tay thon thả chụm xuống nhón lấy những hạt sỏi, bàn tay xoay tròn mở bung ra như những cánh hoa nở xoè tung hạt mầm ra sông. Giọng má mềm, tiếng anh, tiếng em, con gái mình, ngọt ngào như nồi chè, thơm dẻo như mẻ kẹo đậu phọng má vừa cán ra trên vỉ nhôm dầy một lớp mè rang vàng.
Nghỉ ngơi vài bữa, đôi tuần là đến ngày mọi người lại nôn nao khiêng đàn, trống, áo xiêm phông cảnh ra xe, và người lớn, con nít quỳ lạy trước bàn thờ Tổ.
Cuộc sống của trại, của mọi người thăng trầm đều đặn như vậy từ ngày má tôi còn trẻ, học ca với chú Ba và ông ngoại. Theo má tôi nói thì trại do ông Năm Châu xây cất làm nơi chứa đồ đạc cho đoàn hát, dần dà hoá ra nhà ở cho thân nhân, gia đình nghệ sĩ. Khi đoàn hát chánh tách đôi tách ba vì tài tử trở nên vang lừng danh tiếng, đoạt giải này giải nọ, vì mầm non rầm rộ ra đời, thì trại càng đông người. Tài tử gạo cội danh tiếng ít đi, mầm non và gia đình lại vô số kể, đoàn hát trải qua đôi ba thời phồn thịnh, thái bình, bao nhiêu gia đình đã dọn đến dọn đi, bao nhiêu đào kép đã thay đoàn, đổi gánh, đã được mua bán, đổi chác. Chú Ba và ông ngoại tôi kiên trì lèo lái gánh nguyên thuỷ …Ðến thời má tôi lớn lên, mọi hào quang đã bắt đầu lu mờ, phấn son không còn đủ che đậy những nét nhăn, những vết rạn trên mặt người, nét tàn tạ mỏi mệt của hai chiếc xe cam nhông, của những người sống sót, gắng gượng đeo đuổi kiếp cầm ca, tằm trả nợ dâu. Ai muốn tìm đến những chân trời khác (bán ba, hát tân nhạc…) thì bỏ trại ra đi, người còn lại gắng gượng hay anh dũng nối nghiệp ông cha.
Bây giờ, tôi lớn lên, bị cái không khí đờn ca quyến rủ. Mỗi lần ngồi trong hậu trường hay dưới hàng ghế khán giả, người cứ lả đi, say mềm vì ánh đèn sân khấu, vì những tiếng hát, lời ca, vì những chuyến đi xa, qua những tuồng tích, những vai trò, những cuộc đời…phiêu linh, những cuộc tình…đầy nước mắt mà có hậu…
Bây giờ, gánh hát cơ hồ như sắp rã, đào kép hát ca tập dượt như những xác không hồn, như món nợ phải trả, nghề đã mất, chỉ còn nghiệp chướng ! Nỗi vui chú Ba hồi mới hoà bình -từ rày mình về miệt vườn lưu diễn dễ dàng -, bị vơi đi bất ngờ khi ông ngoại mất. Ngoại tôi, soạn giả Bảy Út, chuyên môn viết lời ca, đôi khi đặt tuồng, vừa hết chiến tranh, ngoại bị bệnh gì không biết, ngày cứ héo hắt, teo tóp, vài tháng thì chết, lúc đó tôi mới bảy, tám tuổi. Chú Ba Xanh và cậu Năm Trường bao thầu lèo lái mọi việc. Cuộc sống trôi chảy gượng gạo, vì tài chánh thu vào liên tục thất bát, và vì cãi cọ lớn tiếng cũng hơi nhiều. Lúc đầu ai cũng lo sợ vì có "trên" nào đó muốn thanh niên chớ nên nghe hay ca vọng cổ, cải lương, vì thứ cổ nhạc chưa đủ cổ này quá uỷ mị, xa vời hiện thực, không tốt cho việc xây dựng xã hội mới. Nhưng họ cấm chỉ được một thời gian ngắn.
Nhưng cũng chưa phải là được tự do. Như về việc đặt tuồng, tôi nghe chú Ba và cậu Năm than thở hoài. Bởi tuồng nào anh Ba cũng bắt họ sửa lên sửa xuống, nào là chưa vững, chửi ngụy như vậy chưa mạnh mẽ, tố cáo văn hóa đồi trụy không sâu sắc, không được dùng chữ Hán Việt, phải dùng chữ quốc ngữ, vân vân…Chú Ba cằn nhằn hoài với người trong trại, có lúc chú giận dỗi nói với cậu Năm Trường :
- Nó có giỏi thì ngồi đặt nguyên một vở tuồng cho tao coi, đợi người ta làm rồi chê thì dễ biết mấy ! Mà tao đố nó biết dư giả giê i khác với dư dả dê đê như thế nào (!).
Ba tôi cũng có lần đụng độ với anh Ba :
- Chú mày khó quá, ai hơi sức đâu đi đếm mà chú mày chê tao vẽ thiếu…hai cọng râu bác. Tại râu ổng thưa chớ đâu phải tao cố tình vẽ thiếu ?
Hoặc :
- Mắt ai cũng con nhỏ con lớn đâu phải riêng chỉ bác Hồ, tao vẽ vậy là đúng sự thực, chú mày đòi vẽ cho bằng nhau, đâu được.
- Chú mày chê tao vẽ mặt bác đỏ quá, đúng đúng, nhưng thiếu sơn để tao pha thì đành chịu vậy. Ví dụ như tao chỉ có sơn xanh, tao cũng vẽ giống và đẹp như thường… tất cả nghệ thuật là ở đó, chú mày biết không ?
Ba cười nói với má : - Em thấy đó, chửi bới, đập phá, tẩy trừ tàn dư, tiêu huỷ đồi trụy, nuôi dưỡng thù hận : quá dễ ! Sáng tạo, xây dựng, yêu thương …mới thật là …trần ai khổ nhọc !
Cậu Năm nóng nảy : - Kham chưa nổi điều đang có thì chớ nói viễn vông..
May là anh vai vế nhỏ hơn ba má tôi, anh kêu má tôi bằng dì. Má anh với má tôi có chung ông bà ngoại. Hồi anh mới về, xã hội cũ còn "phong kiến, lạc hậu", quan trọng vai vế gia đình còn được đám tàn dư duy trì ; họ tuy yếu thế nhưng vì đông hơn nên đôi lúc anh phải nhượng bước. Chứ không thôi anh đã cho ba tôi đi học tập như dã cho cậu Sáu Mẫn (tức là hề Mẫn của đoàn).
Bữa hát đó cậu Sáu cương ẩu, cậu nói lối trước khi vô xàng xê là "…bà con ơi, bà con đừng có nghe tui nói, bà con hãy nhìn những gì tui làm…" Khán giả cười rần rần và vỗ tay khen cậu quá xá. Anh Ba lấy làm lạ vì thấy câu nói đó vô duyên lạt lẽo, tầm thường. Ðến lúc có người ghét cậu Sáu, cắt nghĩa cho anh biết ai là tác giả thì anh đùng đùng nổi giận ; cậu Sáu ôm gói đi "học" hết sáu tháng.
Còn chị Ba. A, chị Ba "kẹo lạt" của tôi, chị vốn người đất Bắc, hồi chị mới vào ai cũng muốn làm quen với chị, hỏi chuyện "ở ngoải". Chị thật thà hay...phán những câu làm mất lòng người. Như khi đến thăm dì Hai, là chị em bạn dì của má tôi, chị rờ rẫm mấy cây cột nhà đúc bê tông, rồi mạnh mẽ dõng dạc tuyên bố rằng :
- Nhà dì Hai tốt thế này, cột to thế kia chắc chắn là Mỹ Ngụy đưa tiền cho dì xây. Chứ ở ngoài cháu, nhà bộ trưởng còn chả bằng được như thế này.
Dượng Hai giận xanh mặt, dì Hai có máu tếu nên chỉ cười cười, giả giọng Bắc :
- Ừ thế là bởi vì dì của cháu đây vốn là …là bà cố nội của Mỹ nên nó cho tiền dì xây đấy cháu ạ ! Thằng Mỹ thường dối trá xảo quyệt, nhưng vào đến nhà dì thì trúng phải gió nên ngu cực kì !
Trong trại xảy ra chuyện gì chị cũng phê bình và hay nói "ở ngoài Bắc…thế này…", "dưới chế độ xã hội chủ nghĩa…thế kia…". Thí dụ :
Ở trong này…chẳng vệ sinh, cầu tiêu hễ không xây trong nhà thì lại cất ven sông, bọn Mỹ Ngụy chỉ lo hốt tiền, lo chém giết…không biết giáo dục nhân dân. Còn ngoài Bắc ấy à, có cầu tiêu tiểu công cộng có thùng…có nắp, có…người đi lấy mỗi ngày…để làm phân bón, thật tiết kiệm…lại sạch sẽ, gọn gàng !
Dì Hai can các chị tôi :
- Ðừng thèm đôi co với nó, để nó ra đường phê bình kiểu đó và kể chuyện xã hội chủ nghĩa văn minh, chúng vả cho mẻ răng, nó sẽ tởn mặt tới già. Bà con đánh, mất công…mang tiếng.
Một lần trại họp bàn chuyện gì đó có cả anh chị, chị nghiêm trang gọi anh là đồng chí. Cả trại về sau nói chuyện với anh Ba, gọi chị là "đồng chí vợ".
Mọi thân tình hoàn toàn tan rã hai năm sau, cùng lúc với cuộc tình anh chị Ba. Nghĩa là khi anh đeo riết cô Thanh Hồng, một trong mấy cô đào "lẳng" của gánh Ðồng Phước. Trong trại ai cũng… tán thành cuộc nhân duyên mới dù anh hơn Thanh Hồng gần hai chục tuổi. Chỉ có má tôi là thương xót chị Ba "thân gái bơ vơ nơi đất lạ quê người". Bà không đồng ý cái cớ -được "toàn thể nhân dân trong trại nhất trí"- ta về ta tắm ao ta của anh Ba. Thành thử chị còn lân la giao thiệp với mẹ con tôi, chớ trong trại, rồi ngoài xóm ít ai thèm đếm xỉa tới chị. Ðáng lẽ tôi cũng chuyện trò niềm nở hơn nhưng mấy tuần nay tin ba tôi vượt biên đã tới tai chị. Chị bán tín bán nghi mà không dám hỏi thẳng. Anh Ba thì không nói chi. E rằng nhân dân sẽ hết nhất trí. Dầu sao, ba tôi cũng có chút tiếng tăm trong trại lẫn ngoài xóm. Tôi đã tự dặn trong bụng : chị còn vòng vo thăm hỏi tôi sẽ nói huỵch tẹt ra rồi "cắt đứt dây chuông", kể như huề, làm gì được nhau, cho chị…chết luôn.
Ba với anh Hai đi rồi, chị làm gì được mẹ con tôi ? Tịch thu hai cái giường trong trại ? Niêm phong quán Thanh Danh, cái quán chỉ vỏn vẹn một bàn cây thấp và không có được ba chiếc ghế lùn lành lặn như quán cà phê thím Ba ? "Chả bõ dính răng!" như chị vẫn nói.
- Má đâu rồi con?
Tôi giật mình ngẩng lên. Cậu Năm Trường nhìn tôi chăm chăm, hai con mắt thương yêu:
- Sáng giờ bán khá không con gái cưng?
Trời ơi giọng cậu y như ba tôi khiến tôi muốn khóc, tôi bỗng nghe hờn cậu ; bèn sẳng giọng :
- Má con đi chợ từ sáng. Uả ! Con tưởng cậu đã đi theo đoàn…
- Coi kìa, lại sắp khóc phải không? Má con về tới bây giờ nè… Cậu mới mua cho con mấy bản vọng cổ của Thanh Nga, học thuộc rồi ca cho cậu nghe. Kỳ này cậu nghỉ ở nhà dưỡng sức.
Tôi lật lật mấy cuốn bài ca mà giận mình vô cùng. Tôi ghen cho ba tôi. Rồi tôi biết mình vô lý, tôi bực bội, lí nhí cám ơn cậu. A, mấy tuồng cô Thanh Nga ca diễn gần đây.
- …Má con mới đi chợ, chưa về liền đâu, cậu hỏi chi vậy?
- Tối nay đoàn Thanh Minh về hát rạp Cao Ðồng Hưng, tuồng Thái hậu Dương Vân Nga.
Tôi suýt nhảy cà tưng vì sung sướng. Cậu vuốt đầu tôi :
- Chiều nay hai mẹ con sửa soạn ăn cơm cho sớm, cậu có ba vé mời.
Cậu đi rồi tim tôi còn rộn rã, náo nức. Không phải vì ai cũng khen tôi có khuôn mặt và giọng ca giống Thanh Nga mà tôi mê cô đâu. Tôi quen với hình ảnh cô từ hồi mới lọt lòng mẹ. Buổi sáng ngủ dậy, ra khỏi mùng là tôi thấy cô.
Ba tôi mê cô từ hồi cô sang lưu diễn bên Pháp, ba tôi đang học hội họa ở Ba Lê. Khi bỏ ngang về Sàigòn, ba cứ lân la làm quen, sống gần giới cải lương. Gặp má tôi, ông theo riết. Cậu Năm suýt đánh lộn với ba vì khi đó, cậu đã và đang dày công luyện tập và…đeo đuổi má tôi.
Má tôi thường nói má với ba hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, còn với cậu thì vô duyên đối diện bất tương phùng. Cậu trở thành bạn thân với ba tôi nhưng hôm đám cưới ba má cậu nhậu say, đập bể cây đàn guitare, thề "ở vậy". Ba má nói cách mấy cũng không lay chuyển lòng cậu. Mỗi khi cậy say mèm, bà con vực về trại là tôi thoáng thấy má tôi long lanh ngấn nước trong đôi mắt đen láy.
Trên phần vách nhà tôi, ba treo, dán đầy hình cô Thanh Nga. Bộ sưu tập "tem" của ba đó. Thanh Nga trong Người vợ không bao giờ cưới, trong Ðôi mắt người xưa, Loan mắt Nhung, Hai chuyến xe hoa… và đôi bức hình má tôi hồi bà sắp sửa trở thành đào chánh đoàn Ðồng Phước. Thời ba chưa bán cái máy hình thiệt to có cả bao da dầy cứng bóng láng và thơm nức mùi da. Bây giờ hình nào cũng ố vàng, cong góc. Còn ba…
Tôi ngắn nghía mãi những bức ảnh, càng nhìn càng so sánh càng thấy má giống Thanh Nga. Dường như má có bà con xa với gia đình cô, nhưng má ít khi muốn nói đến. Cũng như không khi nào má nhắc nhở đến nguyên nhân đã làm gián đoạn sự nghiệp cầm ca của má.

*

Chiều cơm nước thay đồ xong thì cậu Năm tới. Tôi lửng thửng đi sau lưng má và cậu. Thường khi, hễ vào Gia Ðịnh coi hát, cả nhà thả bộ rề rề vừa đi vừa hóng mát. Ði thành hàng hai, cậu với anh Hai đi trước, rồi tới ba má, tôi và Kha đoạn hậu. Ba má chỉ trỏ những căn nhà san sát, những dinh thự, kể rằng hồi xưa đó chỉ là ruộng rau muống, bãi rác…
Bây giờ cậu Năm đi cách xa xa má tôi, mặt cậu vui vẻ, nên tôi nghe còn hờn cậu. Bởi vậy trong rạp tôi ngồi chen giữa hai người. Rồi say mê nghe, mắt dán lên sân khấu uống từng lời ca, từng cử chỉ của người đàn bà vương giả…
" Hỡi các triều thần, bá quan văn võ. Ðây tấm long bào ta gìn giữ lâu nay. Áo giành cho con trai ta kế vị sau này…"
" Chúng tôi là tiểu quốc, các ngài là đại bang, các ngài phải lấy nghĩa nhân mà đối xử với chúng tôi. Như vậy mới mong không tức nước vỡ bờ…"
" Việc thư hùng không phải nhờ nơi những lời cao ngạo. Dân ta bao lần tỏ ra cũng đủ tài binh lưọc xua tan trăm ngàn bão giông giữ yên một giải non sông…"
" Ôi đất nước của ta trời Nam một cõi vang lừng lịch sử oai hùng sao lại chịu khuất phục ngoại bang. Chúng đã để ý dòm ngó mảnh đất thân yêu này ắt chúng sẽ bày trò mượn cớ xâm lấn sang đây …"

Tôi chợt nhớ đến những câu chuyện thì thầm giữa những chú bác trong gánh hát. Nhất là theo chú Ba, "người ta" đang tìm cách khơi dậy căm thù, kêu gọi lòng đoàn kết, hy sinh. Nhưng không khí trong xóm không như ý "người ta" mong muốn, lúc bọn "bành trướng" Trung Quốc tấn công ở biên giới phía Bắc, nhiều người trong xóm dám lộ vẻ vui mừng, hi vọng…Cậu Năm buồn bã mỉa mai :
- Ðó, coi đó. Hồi xưa tao đi kiếm con nít trường Tàu để đánh lộn, bây giờ thiên hạ vậy đó, "người ta" chửi mình phản động cũng phải !
- Dân chúng ham mê cải lương thì đổ xô nhau đi coi, chứ còn nói về "tác động" của vở tuồng thì…
Khuya về, tôi tíu tít, hăng say nói về những màn đã xem. Ðến nỗi lúc băng qua đường, đường vắng hoe chỉ có một chiếc xe Wolkswagen đang trờ tới nhưng tôi không thấy. Tiếng bánh xe rít lên ngừng sát bên tôi ; cậu Năm ôm ngang lưng tôi kéo vào. Tôi quay lại nhìn người trong xe. Không nhìn thấy rõ mặt người lái, nhưng bên cạnh, là cô Thanh Nga.
Mặt cô thật bình thản tuy có đôi nét mệt mỏi, cô nhìn tôi mỉm cười bao dung, cô đẹp như thiên thần. Ðẹp quá vì cô hiện thực hơn lúc nãy, khi còn là một thái hậu bơ vơ mảnh mai trên sân khấu với một trách nhiệm quá to lớn, nặng nề.
Má tôi hít hà hốt hoảng :
- Trời ơi chút xíu nữa là xe đụng con rồi. Trời thần ơi, cô đẹp còn hơn vua chúa, hoàng hậu…Anh Năm thấy không lúc nầy cô có da có thịt, hai má đầy đặn, đôi mắt đen…minh mông, ô, cái mũi dọc dừa nhỏ xíu, cái càm nhọn nhọn…Chồng cô chở con tới rước đó, con thấy đứa nhỏ ngồi sau không hả Ngân. Cha, khuya lơ mà hãy còn thức theo cha mẹ.
Chúng tôi về trại cùng với vài người đi xem hát khác, đường khuya cũng thức dưới những lời trầm trồ, nhắc nhở tuồng tích, phê bình lời ca, cách diễn. Tiếng bàn bạc phê bình nhỏ dần, trở thành tiếng thì thào rồi im hẳn sau vài lời cằn nhằn ngái ngủ phát ra từ mấy dãy mùng cao thấp trắng, vàng xen lẫn với màu xanh lá cây nhà binh. Có giường thiếu mùng, chỉ tòn ten võng mây hay võng bố. Trại tối mờ, ánh sáng leo lét trên chiếc bàn thờ Tổ thoi thóp như sắp tắt. Lên giường, má tấn mùng cho tôi rồi trở qua giường của bà. Qua lớp vải thưa, tôi thấy cánh tay bà vắt qua trán, dường như có tiếng thở dài…
Tôi choàng tỉnh vì tiếng chân rầm rập, tiếng người la hét. Ðịnh thần, ngồi dậy, tôi ngơ ngác, tim đập thình thịch. Ðêm lành lạnh, sâu thẳm. Ngọn đèn dầu trên bàn thờ tổ vẫn còn cháy. Bên cạnh, giường má trống không.
Vài ngọn đèn néon bật lên. Tiếng la lại vang lên, hối hả nhưng rõ ràng :
- Trời ơi, tụi nó giết cô Thanh Nga rồi !
- Hai vợ chồng chết hết trơn !
- Trời ơi, tui thấy rõ ràng, tui nghe tiếng cô la nữa.
- Quân ác nhơn, thất đức !
- Trời ơi, mấy người đứng đó mà không ai dám làm gì để tụi nó bắn xong lên xe đi mất tiêu !
Mỗi người một câu, người hỏi kẻ đáp, người kêu trời, kẻ than thở. Tất cả lùng bùng bên tai tôi. Trời còn khuya lắm, trong xóm yên lặng chỉ tại trại Ðồng Phước là mọi người đều thức dậy, bàng hoàng, đau đớn. Rõ ràng là trước đây mấy giờ tôi còn thấy cô cất giọng ca ngọt ngào ai oán, tay nâng vạt áo chậm đôi giọt lệ lăn dài trên má phấn.
Má quay vào xác định điều khủng khiếp. Tôi dụi mặt vào vai má khóc ròng, không còn nghe tiếng ồn ào xung quanh. Lưng áo tôi cũng ướt nước mắt nóng hổi. Mà không chỉ mẹ con tôi. Tiếng khóc nghẹn ngào nghe như dậy lên từ bốn phía…Tôi thiếp đi trong tiếng nấc…
Cả ngày hôm sau không khí trong trại và cả ngoài xóm cũng sôi động khác thường. Người ta hỏi han, xầm xì, thương tiếc. Người hỏi, người kể. Buổi sáng toàn trại như đều đã nhìn thấy tận mắt trận ám sát dã man thảm sầu. Ðến chiều thì cả xóm biết rành từng chi tiết. Ðủ thứ giả thuyết được đưa ra. Má tôi thở dài nói nhỏ :
- Trời ơi hồng nhan bạc mệnh….một đời tài sắc có một không hai…Quân sát nhơn thế nào cũng giả tử.

*

Thím Ba Xanh rủ má tôi đi đưa đám người nghệ sĩ tài danh. Thím nghẹn ngào :
- Ðể chị em mình nấu xôi đem ra trụ ngoài bùng binh Sài Gòn, chờ xe đòn đi ngang, mình tháp tùng đưa cô đến chỗ yên nghĩ ngàn thu.
Tôi ở nhà coi quán, má và thím xách giỏ cơm nước, bánh trái, bó bông huệ đi cùng vài bà khác trong trại, ngoài xóm.
Chiều tối, đoàn người trở về bèo nhèo, bơ phờ, tức tối. Bà con vây quanh hỏi chuyện.
- Thiên hạ ngồi nghẹt bùng binh Sài Gòn.
- Thiệt tình đâu phải chỉ đám mình mới tính chuyện đưa tiễn cô.
- Thì đồng bào ai cũng thương yêu, ái mộ tài sắc cô, muốn chào cô lần cuối…Vậy mà….
- Quân khốn nạn, tàn ác…giết cô rồi mà không muốn nhân dân đưa đám cô..
- Chu cha, nói nhỏ thôi bà nội, biết aì giết mà bà cả quyết như vậy ?
- Trời ơi, còn ai vô đây nữa…Thời này ai có súng, có lựu đạn nói tui nghe coi ?
- Coi chừng đi mút chỉ đó nghen…
- Oái, thiệt là chán, chị em ngồi chờ, nắng cháy da đầu. Mà nó để hai cái hòm trong xe nhà binh, chạy qua một cái vù. Bà con ngơ ngác…
- Bây giờ biết cổ yên nghĩ chỗ nào ? Thiệt tình, chết thảm vậy mà chưa yên thân !
- Thì tại người ta sợ mấy bà thừa cơ nổi loạn, người ta đành đem đi êm.
- Ối, sao ông không dám nói thẳng là họ sợ " phục quốc quân " thừa cơ tấn công…
- Không biết "phục" phản gì mà cả chục ngàn người tụ họp không xin phép…thiệt coi nhà nước không có kí lô nào hết…
Người ngoài xóm cũng tụ tập xầm xì xiên xỏ đến nỗi công an khu vực phải đi rảo hoài để giải tán. Mọi sôi nổi tạm lắng khi báo chí đăng tin bọn chủ mưu vụ thảm sát là "bọn xấu theo Trung Quốc". Trời đất, chỉ vì cô thủ vai Thái Hậu, chọn mặt người gởi trọng trách bảo vệ tổ quốc ?
Ðó chỉ là sự phẳng lặng đành lòng của con sông cạn nước mùa khô. Tôi thấy chú Ba cự nự hung với anh Ba. Nhiều lần. Tôi nghe được thím Ba nhỏ giọng cằn nhằn chồng :
- Bộ thằng Ba nó giết hay sao mà ông cứ nhè nó mà ông nhiếc móc ?
Chú sa sầm nét mặt, nghiến răng, không trả lời. Thím liều lĩnh :
- Tui nghe nói người ta thanh toán gia đình cô vì chuyện vượt biên, tiền bạc không thành…
Chú trợn mắt, lớn tiếng nạt một tràng khiến vợ lùi mấy bước :
- Bà nói gì ? Bà điên chưa ? Nghe tụi nó vu khống như vậy mà lọt lỗ tai ? Hả? Vợ chồng cổ đang lo giấy tờ xin đi Pháp. Bao nhiêu đó là đủ hiểu nguyên do rồi…Thiệt ác độc vô cùng, bà ra ngoài lóng tai nghe, mấy gánh hát xếp ve, đào kép đều co vòi. Bây giờ nó kêu vô đoàn nào là riu ríu nghe theo… Còn đứa nào dám tính chuyện ra đi nữa. Cô Thanh Nga mà chúng còn giết, mấy cái mạng cùi khác nghĩa lí gì ? Ðộc lắm, bắn có một mũi tên mà rụng tới cả chục con chim.
Lúc không có anh Ba và tai mắt anh, chú với cậu Năm và vài người vẫn bàn tán, tức tối. Rốt cuộc rồi cũng tới tai anh. Anh hay thuyết:
- Không tìm ra thủ phạm nên mấy người cứ bàn ra tán vô, vu oan…Dân miền Nam này còn…cá nhân chủ nghĩa quá.
Anh bực mình nói vậy một phần cũng vì ngày trước hai bên thắng thua chưa…cảm thông nhau. Những đoàn cải lương từ Bắc vào và Nam ra cùng thề trong lòng sẽ chẳng bao giờ trở lại. Trong Nam ra Bắc, chưa ai có kinh nghiệm để đối phó với những "sự cố" như thiếu điện nước, đèn đuốc, sân khấu thô sơ và nhất là cái rét cắt da. Nên dù dược đồng bào ùn ùn ủng hộ, hễ nghe nói ra Bắc là gánh nào cũng tìm cách…thoái thác. Ngược lại, đoàn văn công Bắc vào biển diễn ở Sàigòn, thiên hạ bảo nhau tẩy chay. Một lần chú Ba rủ cậu Năm với ba tôi thả bộ về rạp Cao Ðồng Hưng đếm…khán giả nhân dịp đoàn cải lương Tiếng Chuông Vàng Thủ Ðô vào trình diễn. Ba tôi về nhà kể, giọng hể hả :
- Tao đếm được đúng bốn chiếc xe đạp dựng trước rạp. Nhân dân mắc làm gì mà chỉ có bốn người đi coi hát !
Cậu Năm nói :
- Ai nói anh là bốn khán giả ?
- Không chừng hơn bởi vì một người đèo một người …tối đa là tám mạng !
- Ông ơi, tám mạng đó là…đây nè, vợ chồng…đào kép chánh, vợ chồng đào kép phụ, thằng chính trị viên chỉ đạo, thằng bán vé, thằng gác cửa…. Vị chi là bảy, khán giả chỉ có một người…Ông nội nào đó trong uỷ ban nhân dân…được giấy mời ! Tóm lại cuộc trình diễn hoàn toàn…thất bại !
Sự thất bại đó về sau nầy đã bị xóa bỏ bằng cách người ta "xung công" đào kép. Những người nổi tiếng bị "lùa" vào những đoàn hát nhà nước. Thế là các rạp lại đông đầy. Hễ rảnh rỗi, chú Ba và ba tôi rủ nhau đi coi hát và thăm bạn bè, dù mỗi lần về ba đều có chuyện để cằn nhằn :
- Nhà nước khôn tổ sư, không làm gì hết mà cũng đòi chia lời. Còn lỗ không biết nhà nước có bù vô không ?
Má tôi tươi cười :
- Nào phải chỉ có những gánh hát mà anh phân bì, hàng quán, cửa tiệm gì hễ ra tiền đều phải chia, vậy là tuyệt đối công bằng.
- Em nói vậy mà nghe được à ? Công bằng ? Mấy thằng ôn dịch ngồi ghế chủ toạ, không làm gì mà được toàn quyền kiểm soát, phán xét và …ăn chận.
Cậu Năm đổ dầu vô lửa :
- Cô có nhớ bữa thằng chủ Công ty Giao thông Vận tải đường bộ lên ti - vi báo cáo thành tích của công ty ? Nó "hồ hỡi" khoe rằng công ty "ta" từ vốn số không, chỉ sau hơn một năm, làm chủ mấy trăm xe vận tải, tiền lời thu được là một triệu mấy trăm mấy chục, lẻ mấy …xu. Số liệu, sổ sách chi li, ra cái điều ngay thẳng, rõ ràng ! Từ vốn số không ? Thì ngoài đó mới vô, vốn đâu mà vốn ? Đúng là tay không làm nên…vận tải ! Nên mới cần dân hùn hạp. Kêu gọi, đe doạ, ép buộc, đủ phương cách, gọi là hùn mà dân hùn vốn, nhà nước hùn…lời (nói). Lãi lộc chia đôi lúc ban đầu, dần dần hất cẳng người ta : vai trò lịch sử của bạn đến đây là chấm dứt, nhà nước ghi công bạn, mời bạn đi chỗ khác chơi, gia tài sự nghiệp bạn từ nay có nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, đảng lãnh đạo. Tự nhiên thành ra có cả vốn lẫn lời mà cha con nó không tốn sức lao động.

*
Không hiểu vì anh Ba Kiểu không đủ sức ngăn chận những tin "đồn nhảm" hay vì anh là chính phạm trong chuyện tình "đồi trụy" mà trăm rắc rối bắt đầu đổ lên đầu anh.
Một "phái đoàn" gồm ba người đến gặp dì Hai để nói chuyện về anh Ba. Người ta nhờ dì hãy khuyên nhủ anh trở về với gia đình và bổn phận, trở lại với vai trò đảng viên gương mẫu. Bằng không, anh sẽ bị khai trừ khỏi đảng.
Có lẽ vì trước đó một anh đảng viên quen biết chút đỉnh gia đình dì, hỏi mượn chiếc xe đạp đi công chuyện rồi đi luôn không trở lại, cộng thêm với vẻ hiền lành nhỏ nhẹ mà không kém nhiệt tình của những nhà luân lý, dì cả gan trả lời rằng :
- Nó vai vế cháu tui nhưng mà đầu nó bằng đá xanh, óc nó có sạn. Nó chọn ai làm bạn, kệ nó, mắc m